Trên 250m2 đất vườn, ông Vinh trồng hơn 100 chậu mai lớn nhỏ, đều đặn tưới nước cho mai vào sáng sớm mỗi ngày. Sớm chiều ông miệt mài bên các chậu mai, mải mê uốn cành, bắt sâu. Theo ông, điều then chốt để tạo ra cây mai đẹp là phải biết ghép cành. Ông thường áp dụng phương pháp ghép mắt và ghép nêm. Ghép mắt là khoét vỏ chỗ cần ghép rồi chọn một mắt mai sao cho vừa khít, đặt vào chỗ khoét. Còn ghép nêm là cắt bỏ cành xấu, vát ngàm trên đầu cành rồi chọn cành đẹp ở cây mai khác vót nhọn như lưỡi dao mác sao cho đặt vừa khớp trong ngàm của cành cần ghép, sau đó lấy dây buộc chặt. Chừng nửa tháng sau tháo dây ra thì cành mai đẹp đã sống tươi tốt trên cây mai cần ghép. Trong vườn nhà ông Vinh có những cây mai hơn 20 năm tuổi, trị giá hàng chục triệu đồng. Đặc biệt có một cây mai 11 năm tuổi, được ông uốn thành hình chữ Phước, có người trả 10 triệu đồng nhưng ông không bán. Theo ông, người trồng mai cần chú ý các bệnh xoắn lá, khô lá, chết cành, sâu đục thân... Mỗi bệnh có cách điều trị khác nhau nhưng bệnh nào cũng cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ông rất tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh ở địa phương, đồng thời dày công tìm tòi, nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan và khéo léo vận dụng vào thực tế. Theo ông Vinh, chơi mai khó nhất là việc canh cho mai nở đúng dịp Tết. Thông thường, cách Tết 35-45 ngày, ông lặt lá để đến 23 tháng Chạp, cây mai bắt đầu nảy nụ. Trung bình mỗi năm, ông Vinh có khoảng 20-25 cây mai nở đúng Tết và đều có người đến mua tận nơi. Ngày ngày, ngoài thời gian chăm sóc vườn, ông Vinh lặn lội đến nhà từng hội viên Hội Sinh vật cảnh của xã trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc từng loại hoa. Trong khi trò chuyện với chúng tôi, ông nhiều lần bộc bạch tâm nguyện mong các cơ quan chức năng đầu tư, hỗ trợ để ông và hội viên có điều kiện canh tác các loại hoa cao cấp và mô hình trồng hoa, cây cảnh không ngừng nhân rộng trên vùng đồi núi này. |