00:00 Số lượt truy cập: 3235022

Làm thế nào để 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2008, Việt Nam được đánh giá đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 64,11 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 20 năm qua. Năm 2009, chúng ta gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng khủng của hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nhiều chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, FDI sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2008. Điều đáng nói là FDI có sự chênh lệch giữa các vùng miền và lĩnh vực.

FDI vào nông nghiệp ít và có xu hướng giảm

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2008, vốn đăng ký FDI vào nước ta tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xây dựng với 572 dự án, tổng số vốn đăng ký 32,62 tỷ USD. Khối doanh nghiệp FDI đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1,982 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2007 tạo ra 200.000 việc làm mới.

Tuy nhiên, trong cơ cấu vốn FDI, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm, nhất là trong 3 năm gần đây. Trong 10 năm (1998 – 2008), FDI trong nông nghiệp chỉ chiếm 10,7% tổng số dự án FDI của cả nước với 966 dự án. Vốn đầu tư cho lĩnh vực này cũng rất thấp và dàn trải, chiếm khoảng 4,24% tổng vốn đầu tư FDI. “Đây là một trong những điểm yếu của chúng ta trong việc thu hút vốn FDI, mặc dù Nhà nước luôn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng do hạn chế trong các giải pháp xúc tiến thương mại, chưa quan tâm đầy đủ trong việc giao đất, giải phóng mặt bằng cũng như quản lý hợp đồng đầu tư với nông dân... nên các nhà đầu tư nước ngoài rất thờ ơ”, ông Thắng cho biết.

Ông Mai Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Vafie) nhận định: “Sở dĩ đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp thấp vì rủi ro cao, người nông dân lại chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, trong khi vốn FDI hầu hết nằm trong những dự án có thời gian giải ngân dài hạn. Còn một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mạnh dạn bỏ tiền vào lĩnh vực này vì lợi nhuận quá thấp, thậm chí nhiều dự án còn thất bại”.

Giai đoạn 1998 – 2008, khu vực nông nghiệp có 966 dự án, trong đó 831 dự án nông – lâm nghiệp, 135 dự án thuỷ sản với tổng vốn đầu tư 4.682 triệu USD, tổng vốn điều lệ 2.236 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2008, có 929 dự án còn hiệu lực với vốn đầu tư 4.458 triệu USD, vốn điều lệ 2.115 triệu USD. Trong số trên, chỉ có khoảng 2 tỷ USD vốn được giải ngân.

Có thể đơn cử trường hợp Công ty quốc tế Kiên Tài là liên doanh giữa Centre Trading and Development Corp., Công ty Astro (Đài Loan - Trung Quốc) và Công ty Nông – Lâm sản xuất khẩu Kiên Giang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập để trồng 60.000ha rừng nguyên liệu giấy tại Kiên Giang. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Công ty mới trồng được gần 23.000ha bạch đàn, đào 237km kênh mương, việc triển khai xây dựng nhà máy không hoàn thành và việc kinh doanh bạch đàn không hiệu quả. Nguyên nhân là do những thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất, tỉnh không có khả năng di chuyển dân để giao đủ đất cho doanh nghiệp.

Tình hình liệu có cải thiện?

Năm 2008, nhiều tín hiệu vui đã đến với lĩnh vực nông nghiệp khi tại một số địa bàn còn nhiều khó khăn như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thanh Hoá đã xuất hiện một số dự án FDI trong đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất, chế biến hải sản... GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư lưu ý: “Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra nhiều chính sách, đề án hết sức cụ thể nhằm kêu gọi FDI. Tuy nhiên, Bộ cần khắc phục những yếu kém, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước thành công trong việc gắn bó lợi ích giữa nông dân với nhà đầu tư”.

Ngành nông nghiệp cần xây dựng và tuân thủ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xác định cụ thể thế mạnh của từng địa phương; cần những nhà đầu tư có tiềm năng, nền nông nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Ôxtrâylia, Canađa... Đặc biệt, cần sớm thành lập Quỹ xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, có bộ phận chuyên lo thu hút đầu tư, dẫn dắt các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tìm hiểu lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Trong vấn đề thu hút vốn FDI, chúng ta còn nhiều yếu kém trong việc minh bạch chính sách, chế độ ưu đãi, tổ chức và hướng dẫn. Hiện, FDI đang tập trung ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là xoá đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, giải quyết hậu quả bão lụt, nước biển dâng. Chúng tôi đang điều chỉnh một số chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút FDI vào 6 tỉnh nghèo ở miền núi phía Bắc, trong đó có đầu tư hệ thống hạ tầng, hiện đại hoá nông nghiệp, tín dụng cho nông dân và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường”. Theo ông Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang thành lập chiến lược thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt. Bộ cũng từng bước hoàn thiện cơ chế, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, đồng thời kêu gọi đầu tư bằng Chương trình xúc tiến đầu tư với những điều kiện ưu đãi về đất đai, bảo vệ thực vật, thú y...

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng không kém là nước ta có trên 70% dân số sống nhờ nông nghiệp nhưng hiện nay, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp chỉ đạt trên 10%. Ông Hải cho rằng, nếu Nhà nước nâng mức đầu tư cho nông nghiệp lên 15%, đồng thời có những động tác kích cầu thì chắc chắn, năm 2009 đầu tư FDI cho khu vực này sẽ có triển vọng.