00:00 Số lượt truy cập: 3230202

Lạng Sơn: Hiệu quả từ mô hình xen canh sắn với trồng rừng 

Được đăng : 03/11/2016
Trong những năm qua, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” người dân ở huyện Lộc Bình đã chủ động trồng xen cây sắn trên những diện tích rừng trồng mới, vừa bảo vệ quá trình phát triển của cây, vừa giữ đất, chống xói mòn và tăng thêm sản lượng lương thực để phục vụ chăn nuôi…


Thực tế trong những năm gần đây, trồng rừng ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đang là hướng đi đúng và hợp lòng dân, tạo điều kiện cho người ngươi dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, bởi các loại cây lâm nghiệp thường sau từ 10-15 năm mới cho khai thác, nên việc trồng xen canh cây sắn đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trong thời gian cây lâm nghiệp chưa khép tán. Năm 2012, toàn huyện đã có khoảng 150 ha rừng trồng mới được người dân trồng xen canh cây sắn, tập trung tại các xã Xuân Mãn, Bằng Khánh, Yên Khoái, Tú Mịch, … Năng suất bình quân ước đạt 10 -12 tấn sắn tươi/ha.

Trong đó, Yên Khoái là xã có phong trào trồng xen canh cây sắn trên diện tích rừng trồng mới phát triển mạnh nhất. Chị Hoàng Thị Yên, thôn Pác Mạ, xã Yên Khoái chia sẻ, năm 2011, gia đình chị đầu tư trồng 0,5 ha cây thông. Nhận thấy diện tích đất rừng thông mới trồng có thể xen canh cây lương thực nên gia đình chị quyết định trồng sắn. Vụ sắn năm 2012 này, gia đình chị thu hoạch được 1,5 tấn sắn khô, bán với giá 4.700 đồng/kg, chị thu về 7 triệu đồng. Theo chị, sắn là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, khâu chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh. Việc trồng cây sắn năm thứ nhất, năm thứ hai, thứ ba đúng mật độ sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây thông mà góp phần giữ đất, chống xói mòn và tăng thêm thu nhập. Đồng thời do thường xuyên vun xới nên đất rất tơi, xốp, cây rừng phát triển nhanh.

Tại xã Bằng Khánh, thời điểm này, nhiều hộ nông dân đang bước vào vụ thu hoạch sắn. Bà con ai nấy đều rất phấn khởi bởi sắn năm nay được mùa và tiêu thụ ổn định. Chị Hoàng Thị Tân, thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh là một trong những hộ trồng sắn xen canh trên diện tích rừng thông trồng mới vui vẻ cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng được 4.000 m2 sắn xen canh trên diện tích rừng thông mới trồng. Đến thời điểm này gia đình tôi đã thu hoạch được 1,5 tấn sắn khô, nếu thu hoạch hết còn được khoảng gần 1 tấn nữa. Nhờ số sắn này mà gia đình tôi nuôi được 15 con lợn, bán ra thị trường trên 1 tấn thịt lợn hơi thu về 40 triệu đồng”.

Việc trồng xen canh sắn trên những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, năm thứ hai, thứ ba là phương thức canh tác “lấy ngắn nuôi dài” rất phù hợp với thực tế của địa phương. Phương thức canh tác này không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn giúp bà con tiết kiệm được công chăm sóc cho cây công nghiệp, bởi từ khi làm cỏ cho đến khi thu hoạch sắn thì cây công nghiệp có điều kiện để phát triển theo. Việc thu hoạch sắn còn tạo cho đất có được độ tơi xốp và độ ẩm cần thiết cho cây công nghiệp phát triển. Không những thế, trồng xen canh và phải thường xuyên chăm sóc cây màu nên người dân sẽ có điều kiện theo dõi tình hình phát triển hoặc sâu bệnh trên cây rừng, từ đó có những biện pháp khắc phục hiệu quả. Đặc biệt, với giá thành ổn định, nhiều hộ gia đình có thu nhập khá từ trồng sắn.

Một công đôi việc, vừa có được thu nhập từ cây sắn trồng xen canh, vừa chăm sóc được rừng trồng, hiệu quả là không thể phủ nhận. Vì vậy cần nhân mô hình trồng rừng thâm canh cây sắn ra diện rộng, góp phần tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con vùng miền núi tại địa phương.