00:00 Số lượt truy cập: 2677062

Làng chài tỷ phú 

Được đăng : 03/11/2016
Thân thiện, bình dị; tất nhiên, làng quê Việt Nam nào chẳng thế. Nhưng cái làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu này còn cho chúng tôi cái cảm giác gần gụi đến xuề xòa. Thì đó, ai nghĩ rằng những ngư dân có nước da đen cháy, chân mang dép lê, nói cười rổn rảng nhưng vẫn có nét ngại ngần ấy lại là chủ một tập đoàn đánh bắt hải sản xa bờ, giám đốc công ty đóng sửa tàu thuyền, chủ doanh nghiệp dịch vụ hậu cần nghề cá… với khối tài sản sở hữu trị giá cả chục tỷ đồng…


Tay trắng làm giàu

Năm 1971, mới 15 tuổi nhưng Đỗ Ngọc Đức đã tham gia du kích xã Phú Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1972, trong một lần đi đặt mìn ở ấp chiến lược, anh Đức và đồng đội bị địch phát hiện. Chúng nã pháo dữ dội nhằm tiêu diệt cả tiểu đội du kích. Trận đó, may mắn thoát chết, nhưng anh bị thương vì những mảnh đạn pháo găm vào đùi và lưng, mất 33% sức khỏe. Vết thương mới kịp kín miệng, Đức đã bật khỏi giường bệnh tiếp tục tham gia du kích tập trung tại địa phương, phục vụ kháng chiến cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Chưa hết vui mừng với tâm thế được làm chủ một đất nước hòa bình, dân làng Phú Khánh của anh đã đối mặt ngay với một cuộc chiến mới đầy cam go: nhọc nhằn tìm miếng cơm manh áo. Không cam chịu cuộc sống nghèo khổ, năm 1986, anh dắt vợ cùng hai con rời quê hương bản quán đến làng cá Phước Tỉnh để làm kinh tế mới.


Anh Đức bồi hồi nhớ lại: “Chân ướt chân ráo vào đây, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng cùng khí chất kiên cường của người cộng sản. Chúng tôi đến với nghề biển bằng tất cả lòng nhiệt huyết để khát khao thoát đói, vượt nghèo”.

Cũng như bao người đi làm kinh tế mới, ban đầu anh trở thành ngư phủ đi biển làm thuê cho người khác. Dường như cuộc đời của anh có duyên với nghề biển, lúc ở quê anh cũng đánh bắt cá ở vùng biển Quảng Ngãi, nhưng chỉ đánh bắt nhỏ bằng thuyền nan.

Vào làng biển Phước Tỉnh, suốt 4 năm ròng rã tiết kiệm, chồng đi biển, vợ ở nhà vá lưới và trông con, dành dụm được 12 cây vàng, anh hùn vốn đóng ghe. Biển bạc đầy tôm cá nhưng để kiếm được miếng ăn cũng đâu dễ dàng gì. Đến tận bây giờ anh Đức vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cho chúng tôi nghe cú xảy chân ngày ấy.

Đó là năm 1993. Một lần đang đánh bắt xa bờ trong đêm tối giữa trùng khơi; bỗng biển nổi cơn thịnh nộ, những cột sóng gầm gào, lè cái lưỡi sắc lạnh lên boong tàu rồi bất thần lắc mạnh và hất văng anh Đức xuống mặt biển đen ngòm, buốt giá. Vắt kiệt chút sinh lực cuối cùng, anh bơi theo tàu và bám được vào sợi dây cáp. Ngâm mình dưới nước biển 1,5 giờ đồng hồ, toàn thân cứng lại, cánh tay đã tê dại sắp rã khỏi sợi cáp, anh mới may mắn được phường bạn phát hiện và thoát chết trong gang tấc… Mồ hôi và nước mắt đổ xuống không uổng. Bây giờ, anh Đức đã nằm trong “top ten” của “làng tỷ phú” với tài sản trên dưới 10 tỷ đồng.

Anh Đức hiện là ông chủ của tập đoàn cổ đông quản lý 14 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ có bộ đội biên phòng tỉnh vẽ giúp tọa độ nên tập đoàn của anh đánh bắt ở những vùng giáp ranh, lượng tôm, cá, mực dồi dào nên thu nhập khá cao. Ngoài tiền vốn bỏ ra, phần lãi giữa tập đoàn và người lao động được chia theo tỉ lệ 4-6, nếu thua lỗ cũng phải trả lương cho nhân công theo mức 50.000 đồng/ngày. Tập đoàn của anh giải quyết công ăn việc làm với thu nhập khá cho gần 100 lao động thường xuyên.

Cũng tham gia du kích như anh Đức, cuối tháng 4-1975, ông Hồ Bền là một trong số những ngư dân làng chài Phước Tỉnh dùng tàu đánh cá của mình đưa bộ đội vượt sông Cửa Lấp khi cầu Cỏ May bị đánh sập để tiến vào giải phóng Vũng Tàu. Từ miền Trung vào làm kinh tế mới ở làng Phước Tỉnh năm 1970, ông Hồ Bền phải phải vật lộn với sóng gió, ăn uống kham khổ, trải qua những tháng ngày lênh đênh trên biển làm công cho những tàu cá. Sau 31 năm đất nước thống nhất, ông Bền vừa lao động cật lực, vừa kiên trì, bứt phá để có trong tay cổ phần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Cái mặn mòi của biển bao tháng năm mà mồ hôi trộn nước mắt cùng với nắng, gió và muối đã thấm trên nước da đen cháy ấy hun đúc thêm quyết tâm trở thành một trong những tỷ phú đứng hàng “top ten” của làng chài Phước Tỉnh.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết, ở làng chài được đánh giá là lớn và giàu có nhất Nam bộ này, những ngư phủ từ phận làm thuê trở thành tỷ phú như anh Đức và ông Bền rất nhiều. Có thể kể ra đây những “tổng quản” các tập đoàn ghe, tàu đánh bắt xa bờ với số lượng hàng chục chiếc như các ông: Tân, Đính, Trọng, Thành, Bình, Đủ, Năm… Những tỷ phú chân đất này có điểm chung là bằng nghị lực phi thường, chịu khó chịu khổ để xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Mừng cho họ!

Đầu tư cho tương lai

Về thăm làng cá Phước Tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự nhạy bén của chính quyền địa phương cùng với tâm huyết của nhiều tỷ phú làng chài. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết, nhiều tỷ phú của làng chài Phước Tỉnh đang đầu tư và kinh doanh khá hiệu quả mảng dịch vụ hậu cần nghề cá, thậm chí cả trong lĩnh vực bất động sản và mở lớp, xây trường, chung tay với địa phương chăm lo cho thế hệ tương lai.

Đặc biệt, ông Phạm Tấn Kính đã đầu tư xây dựng một trường mầm non tư thục cho con em Phước Tỉnh với quy mô lớn, sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Còn anh Lê Văn Tơ, 31 tuổi thì đang khẩn trương triển khai thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở cao cấp Phước Tỉnh với số lượng 268 căn biệt thự và nhà liên kết, trên diện tích gần 7ha, có tổng vốn đầu tư ước tính 1.600 tỷ đồng.

Các ông Đỗ Ngọc Đức, Hồ Bền… trước khi “hết tuổi” đi biển đã kịp đào tạo các tài công giỏi kế nghiệp. Ông Hồ Bền lên bờ từ hơn 10 năm nay, kết hợp với một số anh em thành lập Công ty TNHH đóng sửa ghe tàu Tân Bền. Năm 1997, khi cơn bão số 5 đánh đắm hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngoài Côn Đảo, ông Bền đã dẫn một tổ thợ lặn lành nghề ra khơi, tìm và trục vớt được 50 chiếc đưa vào đất liền sửa chữa cho bà con.

Trung bình mỗi năm, công ty đóng mới và sửa chữa hơn 300 chiếc, tạo công ăn việc làm ổn định cho 100 nhân công. Còn với tỷ phú Nguyễn Trính, ngoài vai trò “tổng quản” đội tàu đánh bắt xa bờ, tập đoàn của ông còn đầu tư vào ụ đóng sửa tàu thuyền và làm chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thủy, hải sản Quyết Thắng. Đây là HTX đầu tiên ở làng chài Phước Tỉnh được thành lập theo mô hình HTX kiểu mới, nhằm đẩy mạnh kinh tế tập thể theo chủ trương của Nhà nước. Cùng với việc lập thủ tục xin giao đất, HTX của ông Trính đang lập dự án đầu tư các lĩnh vực như: xây dựng 4 kho lạnh để dự trữ sản phẩm xuất khẩu, lắp đặt dây chuyền sản xuất nước sạch đóng chai cung cấp cho ghe tàu, mua mới hai tàu cung cấp dầu, đầu tư xây dựng nhà máy nước đá và một số lĩnh vực khác với tổng vốn đầu tư ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bình minh ló rạng, những đoàn tàu Phước Tỉnh lại hối hả ra khơi…