Ông Hải cho biết thêm, trước đây nông dân Vĩnh Liêm thường trồng giống hoa cúc Thượng Hải. Tuy nhiên, giống cúc này hay bị thoái hóa, lại nhiễm nhiều loại bệnh nên hầu hết bà con đã chuyển sang các giống cúc mới. Bây giờ, gần như 100% người trồng hoa trong làng sử dụng các giống cúc cấy mô như đại đóa, pha lê, mâm xôi... nhập về từ Đà Lạt (Lâm Đồng), đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới như dùng đèn điện chiếu sáng vào ban đêm để điều chỉnh sự sinh trưởng, phát triển của hoa. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng nhà lưới, dùng thiết bị điện sưởi ấm giúp cây phát triển tốt hơn. Nhờ vậy, nghề trồng hoa cúc ở địa phương đã từng bước được phục hồi.
![]() |
Do hiệu quả kinh tế của hoa cúc ngày càng được khẳng định nên nhiều thanh niên địa phương trước đây chưa quen với nghề trồng hoa nay cũng tham gia trồng với số lượng lớn. Anh Lưu Trọng Quang ở tổ 7, mới bước vào nghề trồng hoa cho biết: “Vụ hoa Tết năm nay, tôi cùng một người bạn đầu tư 15 triệu đồng để mua giống, làm giàn, bắt hệ thống điện trồng 600 chậu cúc. Các đợt mưa lũ vừa qua, nhờ có giàn che chắn kiên cố nên không bị thiệt hại nhiều. Từ nay đến cuối năm, nếu thời tiết thuận lợi, hy vọng chúng tôi sẽ có mùa hoa Tết ưng ý”.
Theo dự báo của giới trồng hoa, mùa hoa Tết năm nay, khả năng giá hoa cúc sẽ tăng gấp 2-3 lần so với mọi năm vì nhiều làng hoa trong tỉnh và khu vực miền Trung bị hư hại do mưa lũ. Với hy vọng đó, người trồng hoa ở Vĩnh Liêm đang nỗ lực chăm sóc để chờ một mùa hoa Tết bội thu...