Khởi đầu tốt đẹp
10 năm về trước, Quảng Phong còn là vùng quê nghèo, cuộc sống của bà con chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa. “Nếu không có chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi thì không biết Quảng Phong còn trì trệ, lạc hậu đến bao giờ” - ông Nguyễn Gia Khang, Chủ tịch UBND xã, tâm sự. Chính sự năng động, nhạy bén của lãnh đạo xã, sự tích cực của bà con đã đẩy phong trào chăn nuôi lợn ngoại ở đây phát triển mạnh, trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển.
Với phương châm “cán bộ và nhân dân cùng làm”, mọi người dân trong xã, kể cả cán bộ, đã thực sự vào cuộc, đầu tư xây dựng chuồng trại, đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nghề nuôi lợn ngoại ở Quảng Phong cũng bắt đầu phát triển từ đấy. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm, vốn ít, lực lượng cán bộ thú y thiếu trầm trọng nên bà con gặp rất nhiều khó khăn. Những lúc đàn lợn lăn ra ốm, bỏ ăn, cả làng, cả thôn lại kéo nhau lên huyện mời bác sĩ thú y về chữa trị. Bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua khi bà con được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhiệt tình. Khi hiệu quả kinh tế đã thấy rõ, tỉnh, huyện còn khuyến khích, ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các hộ khi đầu tư chăn nuôi lợn ngoại như: mua một lợn nái ngoại được tỉnh ủng hộ 100.000 đồng, được miễn phí các dịch vụ thú y, xã tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng chuồng trại. Nhờ những chính sách ưu đãi cùng với việc tuyên truyền, vận động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự chuẩn bị tốt của nhân dân, từ 9 hộ đăng ký nuôi ban đầu, đến nay đã tăng lên 36 hộ, tập trung ở 3 thôn Đồng Võng, Thành Trung và thôn Lương, trong đó hộ nuôi ít nhất là 5 con, nhiều nhất 24 con, góp phần nâng tổng đàn nái ngoại toàn xã lên 360 con, chiếm 50% số lợn nái toàn huyện. Mỗi năm Quảng Phong xuất tới 600 tấn lợn ngoại thương phẩm, đạt giá trị trên 14 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị ngành nông nghiệp toàn xã.
Đến thăm gia đình anh Đào Duy Hoà ở thôn Lương, đúng lúc anh đang cho đàn lợn ăn, hàng trăm con lợn thịt và nái ngoại tranh nhau ăn ở những máng ăn công nghiệp. Anh Hoà cho biết: "Hiện gia đình tôi nuôi 24 lợn nái ngoại, trong chuồng lúc nào cũng duy trì 120 con lợn thịt, năm vừa rồi xuất được hơn 20 tấn thịt thương phẩm, thu trên 400 triệu đồng /năm, trừ chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng". Ước tính, năm 2007, gia đình anh sẽ xuất khoảng 30 tấn thịt thương phẩm các loại, đạt trên 600 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động. Nhờ nuôi lợn nái ngoại, gia đình anh đã xây được nhà mái bằng, mua xe máy và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Gia đình các anh Bùi Sỹ Hường, Đào Duy Lực, Đào Duy Nguyên, Đào Duy Hùng... cũng nuôi 15 đến 20 nái ngoại, mỗi năm xuất 10- 20 tấn lợn thịt, thu nhập 100- 350 triệu đồng /gia đình /năm.
Tiếp xúc với chúng tôiT, đa số các hộ đều có chung cảm nhận: Từ khi chăn nuôi lợn nái ngoại, đời sống khấm khá hẳn lên, người dân có công việc ổn định, 36 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại trong xã là những hộ có thu nhập khá và là điển hình để nhân rộng ra toàn xã, toàn huyện. Ngoài việc làm thế nào để tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn, xã cũng luôn quan tâm đến vấn đề về vệ sinh môi trường, các hộ chăn nuôi đều xây dựng hầm biôga để đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí.
Định hướng cho tương lai
Từ những thành công bước đầu, Đảng uỷ, UBND xã Quảng Phong tiếp tục mở rộng quy hoạch khu trang trại tập trung rộng 6, 1ha tại Mã Đợ và Mã Nghè với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng, xã sẽ làm đường giao thông, đường điện, kênh mương, phân ô và xây dựng khu xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Các hộ dân khi tham gia làm trang trại chăn nuôi được xã miễn thuế 1- 2 năm và các dịch vụ thú y; hộ nuôi 1 nái ngoại được hỗ trợ 100.000 đồng, nuôi từ 5 con lợn thịt trở lên được hỗ trợ 50.000 đồng /con... Tuy nhiên, để chăn nuôi lợn ngoại ở Quảng Phong mang tính bền vững thì các chính sách kích cầu của tỉnh, huyện và các ngành chức năng nên thay đổi, mức hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Trên địa bàn xã cần được đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn để các hộ chăn nuôi không phải qua các dịch vụ trung gian. Mặt khác, vấn đề đầu ra vẫn chưa được bao tiêu nên tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn diễn ra, khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi.
Với những kết quả đã đạt được trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tin rằng không xa nữa, chăn nuôi lợn ở Quảng Phong sẽ phát triển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ.