00:00 Số lượt truy cập: 3234050

Làng... thuê đất 

Được đăng : 03/11/2016
Vì đất canh tác quá ít nên người dân làng Thiết Trụ, xã Bình Minh (Khoái Châu - Hưng Yên) đã có sáng kiến thuê đất ở những địa phương khác để làm ăn. Cách làm này giúp cho Thiết Trụ giàu lên trông thấy.

Ít đất nên phải đi thuê

Làng Thiết Trụ nằm bên sông Hồng, với những ngôi nhà cao tầng mọc san sát khiến ai lần đầu đến đây cứ ngỡ đang ở một phố thị nào đó. Ông Phạm Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Hiện, cả làng có khoảng 600 hộ dân, 1/3 trong số đó thường xuyên thuê đất ở nơi khác làm ăn. Nhờ chịu khó làm lụng, tiết kiệm nên đa phần đều khá giả”.

Tính ra, diện tích đất mà người dân Thiết Trụ thuê lên tới hàng trăm hecta. Trung bình, mỗi gia đình thuê tới vài mẫu ruộng. Những người cao tuổi ở làng nói rằng, việc thuê đất có từ những năm 1980. Ban đầu chỉ có vài người đi thuê, theo năm tháng, số hộ ngày càng đông.

Những tưởng với vốn đất canh tác chỉ 220m2/người, dân làng Thiết Trụ khó mà phát triển kinh tế trang trại. Thế nhưng, vẫn có những người mạnh dạn thầu đất để hình thành trang trại rộng hàng mẫu và làm ăn hiệu quả. Điển hình là trang trại của ông Lê Văn Bảy, diện tích 7 mẫu, trồng cây ăn quả; trang trại của anh Đỗ Văn Bá, 1 mẫu chuyên nuôi lợn; ông Đỗ Tư Huỳnh trồng cây ăn quả…

Ông Nguyễn Văn Kiên, Trưởng thôn Thiết Trụ cho biết: “Bình Minh có dân số đông nhưng diện tích đất canh tác ít, bình quân 220m2/người (chưa được 1 sào Bắc Bộ, 1 sào Bắc Bộ = 360m2). Nông dân ở vùng quê này ít có cơ hội làm giàu với vốn đất ít ỏi đó. Dân làng Thiết Trụ đau đáu tìm kế sinh nhai. Vài người đầu tiên của làng đã dong thuyền đi khắp các bờ bãi sông Hồng tìm “miền đất hứa”. Từ những vùng đất ven sông ở Hưng Yên, Thái Bình đến bãi nổi ở Long Biên (Hà Nội), nơi nào cũng in dấu chân họ. Trên những mảnh đất mới, bằng kinh nghiệm có từ ngàn đời, họ khai hoang để trồng dược liệu, hoa màu. Chẳng bao lâu, người chịu thương chịu khó đã có vụ mùa bội thu. Những người tiên phong thành công, họ mách con cháu mình làm theo. Cứ thế, dân Thiết Trụ rủ nhau thuê đất...

Một góc làng Thiết Trụ.


Khu vực người Thiết Trụ tập trung thuê đất kéo dài từ quận Long Biên (Hà Nội) tới thị xã Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), dài khoảng 30km. Họ thường thuê những mảnh đất phù sa màu mỡ ven sông hoặc trên các bãi nổi - chất đất phù hợp với cây dược liệu, hoa màu. “Chúng tôi tập hợp thành nhóm, sau đó cử người đại diện tới ký chương thầu (hợp đồng) với các hợp tác xã hoặc các tổ, đội sản xuất ở những nơi thuê đất. Thời hạn thuê theo thoả thuận, thường là 5 năm hết một chương thầu. Các hộ thuê đất phải khai báo tạm trú với chính quyền địa phương” - ông Kiên tâm sự.

Giàu lên nhanh chóng

Ông Kiên có thâm niên 11 năm thuê đất làm kinh tế. Hiện, ông đang thuê của người dân xã Vạn Phúc (Thanh Trì - Hà Nội) 2 mẫu ruộng với giá 3 triệu đồng/mẫu (1 mẫu = 3.600m2). Hơn 1 mẫu ông dùng để trồng cây dược liệu như: truật nam, sắn dây, củ mài; số còn lại trồng rau màu. Ông vui vẻ cho biết: “Những năm gần đây, giá dược liệu lên cao nên đời sống của gia đình tôi khấm khá hơn. Theo tính toán của tôi, với một sào cây dược liệu, trừ chi phí, lãi hơn 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm tôi thu hơn 40 triệu đồng”.

Ông Đỗ Văn Nghĩa thuê 1 mẫu ruộng tại xã Phụng Công (Văn Giang -Hưng Yên) đã được 10 năm. Vì gần chợ nên ông trồng 6 sào rau, phần còn lại trồng dược liệu. Chính quyền sở tại tạo điều kiện về thuỷ lợi, hệ thống điện, an ninh để ông canh tác thuận lợi. Hiệu quả kinh tế thấy rõ: mỗi năm ông thu 3, 5 triệu đồng/sào. Khoảng mười năm trở lại đây, làng Thiết Trụ giàu lên nhanh chóng, trên 70% số hộ thuê đất đã xây nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi.

Theo người dân Thiết Trụ, so với trước kia, công việc làm ăn hiện tại tuy vẫn sinh lời nhưng gặp khó khăn hơn. Nhiều năm trước, việc thuê đất khá dễ dàng, thậm chí có người còn xin được đất. Lúc đó, giá thuê rất rẻ, thậm chí chỉ vài kilôgam thóc/sào. “Thấy làm ăn hiệu quả nên người dân địa phương đòi lại để canh tác. Nếu ai muốn thuê tiếp phải chấp nhận mức giá cao - hiện tại khoảng 300.000 đồng/sào, có nơi lên tới 400.000/sào” - ông Kiên cho hay.

Cho thuê để... đi thuê

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, giá thuê đất canh tác ở thôn Thiết Trụ rất cao, có chỗ lên tới 1, 8 triệu đồng/sào mà vẫn không có đất để thuê. Nhiều người dân nghĩ ra cách tận dụng vốn đất ít ỏi ở nhà cho thuê để hưởng chênh lệch giá. Số lợi nhuận thu được lại thuê đất ở địa phương khác để làm ăn.