Nhờ đưa các giống ngô mới vào trồng từ 2 năm trở lại đây, nông dân huyện Văn Bàn (Lào Cai) đạt sản lượng 7.000 tấn ngô hàng hoá/năm, doanh thu trên 14 tỷ đồng.
Người dân Văn Bàn nói với nhau: trồng ngô bây giờ hái ra tiền. ^Có ngô là mua được gạo, thức ăn chăn nuôi và mua sắm được các vật dụng đắt tiền. Chị Bàn Thị Trang vụ vừa qua thu 9 tấn ngô lai thương phẩm thu nhập trên 20 triệu đồng. Từ ngày có phong trào trồng ngô hàng hoá, bà con phấn khởi vì được mùa liên tục và nhiều nhà đã thoát nghèo từ ngô hàng hoá.
Chị Lý Tá Mẩy ở thôn Pom Choong, xã Nậm Tha không giấu được sự sung sướng trước vườn ngô xanh tốt đang phun râu, bắp nào bắp nấy dài gấp đôi giống ngô cũ xưa nay chị hay trồng. Chị Mẩy nói: bản chúng tôi ít ruộng, lương thực chính là ngô. Trồng ngô mấy đời nay tôi mới thấy nhiều cây ngô ra hai bắp và bắp dài đến thế. Cán bộ khuyến nông đem no ấm về cho bản ngươi Dao rồi. Vụ ngô xuân vừa qua gia đình anh Tẩn Vần Chòi ở thôn Ba Soi, xã Tân An bình thường cấy lúa tại một mẫu ruộng cũng thu khoảng triệu đồng, nhưng năm nay nghe theo lời cán bộ trồng xen canh ngô vụ 3 anh thu được gần 2 tấn, bán giá 2.500 đồng/kg, thu 5 triệu đồng. Anh Chòi dự định, sau khi thu hoạch vụ xuân hè này sẽ mở rộng diện tích cay ngô đông lên gấp đôi, vừa lấy sản phẩm để nuôi gia súc, vừa bán lấy tiền trang trải trong gia đình. Trồng ngô chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, không phải lo nước tưới và chịu ảnh hưởng thời tiết xấu làm mất mùa nên người Dao đã chuyển toàn bộ diện tích ruộng, nương của mình trồng ngô giống mới.
Anh Cầm Tiến Vinh, Trưởng phòng kinh tế huyện Văn Bàn cho biết: Trong thời gian qua, việc phát triển giống ngô hàng hoá đã khai thác được thế mạnh của Văn Bàn vốn là huyện thuần nông độc canh cây lúa gieo trồng theo phương thức cũ. Tới đây, huyện Văn Bàn sẽ mở rộng diện tích ngô từ 2.000 ha lên 3.000 ha bằng cách luân canh và xen canh các cây trồng khác kết hợp tuyên truyền nhân dân mở rộng trồng vụ 3. Về phía chính quyền sẽ lo đủ khâu giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời xây dựng mô hình, quy hoạch vùng ngô hàng hoá tiêu biểu như mô hình 2 vụ lúa một vụ ngô ở những nơi có diện tích rộng và tập trung, đưa sản lượng lương thực có hạt lên gấp đôi, vừa giải quyết lao động nông nhàn vừa tăng thu nhập cho người dân, giải quyết cơ bản lương thực và thức ăn phát triển chăn nuôi./.