Bà Đặng Thị Hồng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: “Ngày 24-2-2011, đoàn khảo sát của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Bến Tre và huyện Bình Đại đã tới xã Long Hòa khảo sát (lần 2) cây nhãn trồng theo mô hình VietGAP. Đoàn khảo sát đã thống nhất công nhận 26 hộ với 28 ha nhãn đạt đúng theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Sơ chế nhãn tại xã Long Hòa.
Tổ hợp tác sản xuất nhãn xã Long Hòa, huyện Bình Đại được thành lập ngày 3-9-2009. Đây là tổ hợp tác sản xuất nhãn đầu tiên ở ĐBSCL theo mô hình VietGAP (Vietnamese Good Aricultural Practices), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, an toàn tại Việt Nam. Tổ có 40 tổ viên với diện tích 49 ha đất trồng nhãn theo mô hình VietGAP.
Ông Võ Văn A (Ba A) - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nhãn xã Long Hòa cho biết: “Từ khi thành lập tổ, nông dân chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất theo VietGAP. Tại xã, nhiều người đã làm giàu từ mô hình này. Hiện có rất nhiều bà con nông dân ở ngoài tổ cũng học tập, sản xuất theo mô hình VietGAP”. Trước đây, nông dân tại xã trồng nhãn tiêu da bò theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả chưa cao, ngoại trừ một số ít hộ may mắn “trúng mùa, được giá”. Sau khi được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn theo mô hình VietGAP, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của quy trình sản xuất này với những ưu điểm: tiết kiệm chi phí sản xuất, sản lượng trái nhiều, đảm bảo chất lượng cao và bổ dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả mang tính cạnh tranh cao trên thị trường… nhiều hộ dân đã áp dụng và làm giàu từ mô hình này. Điển hình như các ông: Phạm Vũ Thanh, Ngô Văn Cầu (ấp Long Thạnh), Ba Nhờ (ấp Long An)… là những người trồng nhãn theo mô hình VietGAP với diện tích lớn, thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng.
Đặc biệt, trường hợp của anh Phan Minh Luân (ấp Long Thạnh) là hộ nghèo, đông con, đất ít, sống bằng nghề đặt dớn bắt cá trên sông rạch; từ khi chuyển 3.200 m2 đất sang trồng nhãn theo mô hình VietGap, đến nay kinh tế gia đình anh đã khá lên với thu nhập mỗi năm từ cây nhãn khoảng 20 triệu đồng. Hoặc trường hợp của anh Nguyễn Thái Bình (ấp Long Hòa) cũng thuộc diện hộ nghèo, đông con đã khấm khá nhờ sản xuất nhãn theo mô hình này. Toàn xã Long Hòa hiện có 310 ha nhãn, 10 cơ sở sản xuất sơ chế sản phẩm từ nhãn (chủ yếu là đóng gói xuất bán cho thương lái ngoài tỉnh). Vào mùa vụ, công suất bình quân mỗi ngày từ 70 đến 100 tấn trái. Hàng năm, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động (trong và ngoài xã) chủ yếu là chăm sóc cây trồng, chế biến trái nhãn, với tiền công lao động bình quân mỗi ngày từ 70 ngàn đến 100 ngàn đồng/người. Ngoài 26 hộ dân với 28 ha nhãn được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP tại Long Hòa, hiện có rất nhiều nông dân trong và ngoài xã đã và đang sản xuất nhãn theo mô hình này.
Ông Ba A chia sẻ: “Nông dân chúng tôi thực hiện theo chương trình tập huấn của Viện Cây ăn quả miền Nam, chịu khó học tập ở tài liệu và rút kinh nghiệm thực tế từ sản xuất”. Nhà nông giờ đây đã thay đổi tập quán sản xuất theo thói quen; trong quá trình sản xuất, người dân đã chú ý quan tâm đến việc ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng giai đoạn; hộ tham gia sản xuất đã xây dựng nhà vệ sinh tự hoại và kho chứa phân, thuốc để đảm bảo môi trường. Qua các lớp tập huấn, nông dân đã có chuyển biến mới về nhận thức trong việc trồng nhãn theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Ông Hà Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa cho biết: “Nông dân trồng nhãn rất mong muốn cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Khi đó, trái nhãn Long Hòa có đủ điều kiện đến với thị trường thế giới hơn”.