00:00 Số lượt truy cập: 3231623

Lục Ngạn rộn ràng mùa ong lấy mật 

Được đăng : 03/11/2016
Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 3 mùa hoa vải, người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại rộn ràng đón mùa o­ng đi lấy mật. Nơi đây đã và đang trở thành miền “đất lành” để những đàn o­ng sinh sôi cho mật ngọt.


Ông Sáng kiểm tra đàn o­ng ngoại.

Người đưa “ong ngoại” về rừng

Theo giới thiệu của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lục Ngạn, chúng tôi tìm tới gia đình ông Hoàng Anh Sáng, xã Nghĩa Hồ - người vẫn được bà con nơi đây xem là tiên phong khi đưa “ong ngoại” về vườn. Năm nay tròn 17 mùa hoa vải ông Sáng gắn bó với đàn o­ng và xem đây là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình.

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Sáng được bắt đầu từ những tháng năm thăng trầm trong hành trình du nhập đàn o­ng và phát triển nghề nuôi o­ng. Những năm 1998, 1999, dù cây vải đã khẳng định hiệu quả kinh tế nhưng người dân nơi đây chỉ quen với nuôi o­ng nội lấy mật.

“Hoa vải bạt ngàn nhưng ngặt nỗi số lượng đàn o­ng nội có hạn, khó nhân đàn, sản lượng mật thu được chẳng đáng là bao. Trong khi đó, o­ng ngoại có thể nuôi theo hướng công nghiệp, nhân rộng và phát triển được”, ông Sáng bộc bạch.

Từ ý tưởng đó, ông Sáng đau đáu một tâm huyết là làm sao để du nhập được đàn o­ng ngoại về địa phương. Nói là làm, nhờ qua một người bạn giới thiệu, ông đã tiếp cận và đưa hơn chục đàn o­ng ngoại về vườn vải của gia đình. Sau những vấp ngã ban đầu, ông đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua sách báo để tích lũy cho bản thân. Giờ đây, ông được xem như là chuyên gia của địa phương về o­ng ngoại và đang là chủ nhân của hơn 1.200 đàn o­ng. Một năm trừ chi phí, nguồn thu từ o­ng đã mang lại cho gia đình ông từ 400 - 500 triệu đồng.

Ông Sáng chia sẻ: “Nuôi o­ng không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn o­ng để tránh o­ng khỏi mắc một số bệnh thông thường như: thối ấu trùng, ấu trùng túi… Tổ o­ng có thể đặt cố định ở một nơi hoặc di chuyển theo mùa hoa để có chất lượng mật tốt nhất”.

Với mong muốn nhân rộng và phát triển đàn o­ng ngoại trên địa bàn, ông Sáng và một số người yêu mến nghề o­ng ở Lục Ngạn đã đứng ra thành lập HTX nuôi o­ng xuất khẩu Nghĩa Hồ. Hiện nay, HTX đã thu hút 18 hộ xã viên thuộc địa bàn các xã: Nghĩa Hồ, Tân Lập, Hộ Đáp, Giáp Sơn… Đồng thời, sản phẩm của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp nhãn hiệu bảo hộ thương hiệu “Mật o­ng Lục Ngạn”.

Để “Mật o­ng Lục Ngạn” vươn xa

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lục Ngạn, toàn huyện có khoảng 11 đến 12 nghìn đàn o­ng ngoại. Cứ vào vụ vải, do lượng hoa nhiều nên o­ng trên địa bàn lại tăng đột biến do các nơi khác chuyển đàn đến. Ước tính trong vụ này trên địa bàn có khoảng 100 nghìn đàn.

Mùa hoa vải lượng o­ng trên điạ bàn huyện Lục Ngạn tăng đột biến.

Ông Leo Văn Phúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: “Mấy năm gần đây, nghề nuôi o­ng lấy mật đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu. Sản lượng mật o­ng của huyện đạt hơn 300 tấn/năm, với giá như hiện nay bình quân 60 - 80 nghìn/kg cho doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Sản phẩm không chỉ được bán ở thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu. Đây là tín hiệu vui cho người nuôi o­ng Lục Ngạn”.

Được biết, nghề nuôi o­ng không khó nhưng người nuôi đòi hỏi phải yêu nghề; có tính kiên trì, tỷ mẩn và phải có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài o­ng. Trong năm, o­ng thường cho hai vụ mật, nhưng chủ yếu là vụ xuân hè (tháng 3 đến tháng 7), thời kỳ nhiều hoa vải và hoa rừng nhất trong năm. Trong thời kỳ này, tuyệt đối không cho o­ng ăn thêm bất cứ thứ gì và cũng không được can thiệp bất cứ việc gì vào đàn o­ng để tránh làm ảnh hưởng chất lượng mật. Ngoài ra, người nuôi o­ng cần biết cách nhân đàn, điều chỉnh thế đàn; nhận biết bệnh, chữa bệnh cho o­ng và nắm vững cách lấy mật, bảo đảm chất lượng mật cũng như bảo toàn được số lượng đàn.

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Để phát triển nghề nuôi o­ng thì một trong những yếu tố quan trọng là có nguồn thức ăn dồi dào. Như vậy, o­ng mới cho năng suất, hiệu quả cao và Lục Ngạn đã đáp ứng được yêu cầu đó. Không chỉ đem lại lợi ích từ o­ng mà quá trình lấy mật giúp cây ăn quả trên địa bàn thụ phấn tốt hơn đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích”.

Với lợi thế là huyện có diện tích trồng vải nói riêng, các loại cây ăn quả khác nói chung lớn nhất tỉnh, Lục Ngạn có nhiều thuận lợi để mở rộng các mô hình nuôi o­ng lấy mật, khai thác hiệu quả nguồn hoa dồi dào. Thương hiệu “Mật o­ng Lục Ngạn” đã được bảo hộ và việc quản lý, bảo vệ và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng để mật o­ng Lục Ngạn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và không ngừng vươn xa.

Ngọc Hân