00:00 Số lượt truy cập: 2862883

Máy bóc vỏ quả vải: Giúp nhà nông tăng thu nhập 

Được đăng : 03/11/2016
Sản phẩm vải cô đặc, vải nghiền (puree) hiện được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, việc bóc vỏ quả vải phục vụ công tác chế biến không chỉ mất nhiều thời gian và sức lao động mà còn ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất. Để giúp các nhà máy chế biến và người trồng vải giải quyết khó khăn trên, kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đã sáng chế thành công máy bóc vỏ quả vải.

“Phép màu” ở vùng vải

Vốn là lãnh đạo của Công ty lại được “chu du” nhiều nơi, chàng kỹ sư trẻ sớm nhận ra nghịch lý đáng buồn: vải là thu nhập chính của nông dân một số vùng chuyên canh nhưng lại luôn trong tình trạng khó tiêu thụ. Trong khi đó, Công ty nơi anh làm việc năm nào cũng “cháy hàng” vải cô đặc, vải puree vì công suất chế biến thấp. “Vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 25 ngày, giỏi lắm mỗi vụ Công ty chúng tôi cũng chỉ thu mua được 100 tấn nguyên liệu. Để chế biến được số lượng trên, chúng tôi phải cần tới 1.600 - 2.500 lao động. Đây thực sự là vấn đề nan giải đối với một doanh nghiệp còn hạn chế về mặt bằng, lao động, cơ sở vật chất như Đồng Giao. Nếu mua máy của nước ngoài thì chi phí quá lớn (khoảng 500 triệu đồng/chiếc) và tỷ lệ hao hụt cao (khoảng 28%), ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận” – anh Sơn than thở.

Với ý nghĩ phải chế tạo ra chiếc máy vừa có thể giúp Công ty nâng công suất, đồng thời, thu mua được nhiều hơn nữa vải tươi cho nông dân, anh quyết định bỏ tiền túi mua chiếc máy bóc vỏ quả vải của Đài Loan (Trung Quốc) về nghiên cứu, trên cơ sở đó chế tạo ra chiếc máy “made in Việt Nam”. Sau nhiều ngày quên ăn quên ngủ, thậm chí “mẹ và vợ tôi nhiều lần phát hoảng vì thấy tôi giam mình cả ngày trong “xưởng chế tạo” mà không chịu ăn uống” gì, hết lắp vào lại tháo ra, cuối cùng chiếc máy bóc vỏ quả vải của chàng kỹ sư trẻ cũng “ra đời”. Ngay vụ đầu tiên thử nghiệm, Công ty Đồng Giao đã nâng công suất chế biến lên 600 tấn nguyên liệu.

Ông Phạm Văn Tuấn ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) cho biết: “Từ vụ vải năm 2007, toàn bộ 2ha vải thiều của gia đình đã được Công ty Đồng Giao bao tiêu. Hỏi ra mới biết, Công ty đã đưa máy bóc vỏ quả vải vào sản xuất nên công suất chế biến được nâng lên rất nhiều. Chúng tôi mong trong những năm tới sẽ có nhiều công ty về đây đặt hàng để người làm vườn thực sự sống được với cây vải”.

Chiếc máy độc đáo

Nói về nguyên lý hoạt động của máy bóc vỏ quả vải, anh Sơn cho biết, vải được đổ vào máng tiếp nhiên liệu nhờ băng tải con lăn. Băng tải này được thiết kế để quả vải khi tiếp xúc với dao cắt sẽ tự quay quanh mình nó để cắt vỏ. Sau đó, vải sẽ sang bộ phận tách vỏ và được đẩy qua các mấu giữ vỏ lại và sẽ rơi xuống băng tải bằng cao su để nhặt vỏ ra. “Hoạt động của máy đã tránh được các khuyết điểm như vải không bị rách mà giữ gần như nguyên dạng, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Hơn nữa, lượng nước bị chiết ra rất ít do quá trình tách vỏ diễn ra ngắn” - anh Sơn nhấn mạnh.

Vụ vải năm 2007, máy bóc vỏ quả vải đã thay thế 2.000 lao động/ngày, nâng công suất chế biến của Công ty Đồng Giao từ 15 lên 80 tấn/ngày, góp phần tiêu thụ 2.000 tấn vải cho các vùng chuyên canh. “Với việc giảm thời gian cũng như lao động, chúng tôi có thể nâng giá thu mua vải tươi cho nông dân. Ngay lần thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã mua vải với giá 12.000 đồng/kg, trong khi người trồng vải bán cao nhất cũng chỉ được 5.000 đồng/kg”, anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, giá thành mỗi chiếc máy bóc vỏ quả vải chỉ vào khoảng 50 triệu đồng, hoàn toàn nằm trong khả năng của các công ty, thậm chí các chủ vườn vải nếu có điều kiện cũng có thể mua được.

Theo nhiều chuyên gia, sự ra đời của chiếc máy này là giải pháp sáng tạo, có khả năng áp dụng rộng rãi cho các cơ sở chế biến để làm long vải sấy, quả vải đóng hộp, nước nghiền vải và vải cô đặc.