00:00 Số lượt truy cập: 2670446

Máy bơm bùn - Thay sức người trên ruộng muối Long Sơn 

Được đăng : 03/11/2016
Trong quá trình tạo dựng một thửa ruộng muối, các diêm dân ở xã Long Sơn, Tp.Vũng Tàu “ngại” nhất là công đoạn lấy bùn, nâng độ cao mặt nền và tạo mặt phẳng... Công việc này rất nặng nhọc, phải mất cả năm trời và “ngốn” của diêm dân đến cả trăm triệu đồng tiền công cho mỗi hecta. Tuy nhiên, giờ đây người dân đã bớt vất vả hơn nhờ có máy bơm bùn…

Anh Nguyễn Huy Thăng, ngụ tại thôn 5, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu là người đã chế tạo được máy bơm bùn thay sức người để tạo nên những cánh đồng muối. Điều khiển đường ống dẫn bùn đang cuồn cuộn chảy vào ruộng, tay chỉ về hướng sông Rạng, nơi có chiếc máy hút bùn đang hoạt động, anh Nguyễn Huy Thăng khoe: “Đó là máy bơm bùn do tôi “mày mò” làm ra”. Đã gần 3 năm nay, nhiều diêm dân ở xã Long Sơn phấn khởi vì công việc nặng nhọc nhất trong quá trình tạo dựng thửa ruộng muối đã có chiếc máy bơm bùn thay thế.

Anh Thăng cho biết, nghề làm muối cực nhất là công đoạn lấy bùn, nâng độ cao mặt nền và tạo mặt phẳng… Công việc này rất nặng nhọc vì phải dùng sức người là chính, phải mất gần cả năm trời và chi phí đến cả trăm triệu đồng cho mỗi hecta. Thậm chí, nếu gặp vị trí không thuận lợi thì chí phí gấp đôi mà chưa chắc đã cải tạo được thửa ruộng muối ưng ý. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi nghề nuôi thủy sản gặp nhiều bất lợi, nhiều người dân Long Sơn muốn cải tạo đùng nuôi thủy sản của mình thành ruộng muối cũng đành chịu do không đủ sức khỏe và số vốn cần thiết.

Để chuyển sang nghề làm muối, anh Thăng đã lặn lội học hỏi nhiều nơi và cuối cùng chiếc máy hút cát ở tỉnh An Giang đã cho anh ý tưởng cải tiến thành máy bơm bùn vào ruộng muối và anh đã thành công. Dựa trên nguyên lý dùng lực của nước để đẩy cát, bùn, anh Thăng gia công rồi gắn dao chặt bùn và cánh quạt hút nước (bùn) vào đầu bò (đầu hút), dao chặt gắn phía trước làm “nhiệm vụ” phá và đánh bùn hòa lẫn vào nước, quạt hút dùng lực của nước đẩy bùn theo đường ống vào ruộng muối…

Từ khi chiếc máy bơm bùn của anh Thăng ra đời, việc cải tạo các đùng nuôi quảng canh ở xã Long Sơn sang làm muối đã dễ dàng hơn trước. Anh Thăng cho biết, mỗi ngày máy có thể bơm hơn 300m3 bùn vào ruộng muối. Với công suất này, để nâng cao mặt nền cho 1ha đùng lên cao 1m, máy của anh chỉ làm trong 20 ngày, chi phí khoảng hơn 15 triệu đồng. Đặc biệt với chiếc máy này, các diêm dân có thể tạo dựng được những ruộng muối ở những vị trí không thuận lợi mà trước kia hoàn toàn không thực hiện được. “Máy này có thể “đưa” bùn đi xa đến hơn 500m” - anh Thăng nói.

Với bản tính chịu khó, qua thời gian sử dụng, anh Thăng tiếp tục “mày mò” phát triển thêm nhiều chức năng, giúp cho máy hoạt động hiệu quả hơn trước, như sử dụng 2 trục láp khác nhau cho dao chặt và quạt hút, nhằm điều chỉnh tốc độ quay của dao chặt cho phù hợp với từng đặc tính của vùng đất; hoặc điều chỉnh đầu bò lên xuống, di chuyển máy tới lui, sang phải, trái… đều được thực hiện từ hệ thống cáp thông qua hộp số. Ông Nguyễn Thanh Phúc, cộng tác viên của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tại xã Long Sơn cho biết, tính đến nay, trên địa bàn xã Long Sơn đã có hơn 10 máy bơm bùn ra đời, nhưng đều không thể sánh bằng máy của anh Thăng về công suất, tiện ích và hiệu quả… Đơn cử việc điều khiển đầu bò lên xuống, qua lại của các máy trên phải do một người đứng dưới nước điều khiển, trong những thời điểm thủy triều lớn, các máy này không thể hoạt động được. “Chỉ có máy bơm bùn của anh Thăng là hoạt động được trong mọi điều kiện” - ông Phúc nói.

Anh Thăng cho biết, do điều kiện hoạt động của máy chủ yếu trên sông, trong thời gian tới anh sẽ đóng 1 chiếc ghe đẩy, giúp cho việc di chuyển địa bàn hoạt động của máy được dễ dàng. Đó là tin vui cho nhiều diêm dân trên địa bàn tỉnh, vì theo các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết, hiện nay nhiều đùng nuôi thủy sản quảng canh các khu vực Kim Dinh (TX. Bà Rịa), phường 12 (TP. Vũng Tàu), An Ngãi (huyện Long Điền)… không còn hiệu quả như trước, trong điều kiện giá muối tăng cao như hiện nay, nhiều người dân muốn cải tạo lại đùng của mình để vừa làm được muối trong mùa nắng vừa nuôi được thủy sản trong mùa mưa.