00:00 Số lượt truy cập: 2692401

Mía tím - cây xoá đói nghèo ở Ba Chẽ 

Được đăng : 03/11/2016
Với đặc điểm quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp rất thấp, chỉ chiếm 2,3% tổng diện tích tự nhiên, nên Ba Chẽ rất tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh tăng vụ nhằm tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.


Huyện không ngừng tìm tòi, đưa những mô hình phát triển kinh tế mới vào đồng ruộng. Năm 2006, nhiềumô hình kinh tế trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện như: Mô hình cây đậu tương vụ xuân; thâm canh cây mía tím; trồng ba kích tím; trồng cỏ voi; trám ghép; cây lát Mêhicô... Hầu hết các mô hình kinh tế này bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan, đặc biệt là mô hình thâm canh cây mía tím tại cánh đồng Khe Hoạt, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc.


Để “mục sở thị”, chúng tôi theo chân anh Đặng Văn Minh, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông của huyện đến thăm các gia đình ở thôn Tân Tiến xã Đồn Đạc tham gia mô hình thâm canh cây mía tím. Cảm nhận đầu tiên là niềm vui ánh lên từ khoé mắt, nụ cười của bà con nông dân nơi đây. Đến khu đất trồng mía của gia đình anh Phạm Văn Kiên chúng tôi gặp anh và cậu con trai đang cày vỡ thửa ruộng vừa thu hoạch mía. Anh Kiên hồ hởi giới thiệu về vụ thu hoạch mía vừa rồi của gia đình. Lần đầu tham gia mô hình nên gia đình anh chỉ trồng 750 m2. Mặc dù là giống địa phương, đã từng trồng nhiều nhưng khi tham gia mô hình gia đình anh Kiên đã trồng và chăm sóc theo sự hướng dẫn chi tiết của kỹ sư nông nghiệp. Ban đầu bà con cũng e ngại vì giá phân bón cao và mất nhiều công chăm sóc lại không biết hiệu quả sẽ ra sao, nhưng khi thấy mỗi ngọn giống đều cho khoảng6-10 mầm, thì ai cũng phấn khởi. Tiếp đến, cây mía lớn nhanh, tỷ lệ mầm sống cao, đến khi cho thu hoạch, cây to, mẫm và rất ngọt. Vừa rồi, mặc dù chưa thu hoạch hết nhưng gia đình anh Kiên đã bán 3.600 cây với giá 2.100-2.300 đồng/cây, trừ chi phí còn lãi gần 6 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh còn khoảng 1.000 cây. Người mua đã đến đặt giá 2.400 đồng/cây. Qua vụ thu hoạch vừa rồi, không chỉ gia đình anh Kiên mà bà con ở thôn Tân Tiến đều nhận thấy mô hình thâm canh cây mía tím đã đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch, các gia đình đã tiến hành làm đất để trồng vụ mới. Anh Kiên phấn chấn nói chắc chắn vụ sau sẽ thu hoạch gấp đôi. Gần khu đất của gia đình anh Kiên, gia đình ông Nguyễn Văn Chu cũng đang thu hoạch mía. Ông Chu cho biết: Trước kia, tôi cũng trồng mía, nhưng khi thu hoạch lại không biết bán ở đâu? Người đến ruộng mua nhiều cũng chỉ100-200 cây, còn lại gia đình phải mang bán lẻ. Nguyên nhân là do trồng đại trà, cây nhỏ, nhạt và giá bán chỉ 1.200-1.400 đồng/cây, nay trồng theo phương pháp mới cây vừa to, đốt thưa lại rất ngọt nên tư thương đến tận nhà, ra tận ruộng hỏi mua với số lượng lớn. Tôi cảm thấy rất tiếc vì tham gia mô hình đợt này gia đình chỉ trồng với diện tích 215 m2 nên thu được 1.500 cây trừ chi phí còn lãi hơn 3 triệu đồng. Tôi thấy thâm canh mía tím đem lại hiệu quả cao hơn hẳn cấy lúa, trồng ngô. Vụ tới tôi nhất định tăng diện tích lên gấp đôi, gấp ba so với vụ này. Chị Hoàng Thị Phượng, tư thương đến từ tỉnh Hải Phòng cho hay: Cây mía ở đây to, mềm và có độ ngọt đậm, tiêu thụ rất tốt trên thị trường. Mặc dù phải vận chuyển xa nhưng chị vẫn chọn cây mía ở Ba Chẽ.


Mô hình thâm canh mía tím xây dựng tại cánh đồng Khe Hoạt, thôn Tân Tiến, xã Đồn Đạc có tổng diện tích 5.000m2, với 8 hộ tham gia.Các hộ dân đã sử dụng giống mía tím đã có ở địa phương để trồng. Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Chẽ thì tổng chi phí đầu tư thâm canh 1 ha cây mía tím theo mô hình hết 38.818.000 đồng, khi thu hoạch đạt 145.116.000 đồng trong khi đó đầu tư chăm bón cho 1 ha mía tím trồng theo phương pháp truyền thống của địa phương hết 31.690.000 đồng, thu hoạch chỉ đạt 90.000.000 đồng. Như vậy mức đầu tư thâm canh cho 1 ha cây mía tím cao hơn không thâm canh là 7.128.000 đồng nhưng thu lãi nhiều hơn 47.988.000 đồng; cứ một đồng vốn bỏ ra thâm canh sẽ đem lại 6,7 đồng tiền lãi. Mặt khác, thâm canh cây mía tím thời gian cho thu hoạch gần 10 tháng và có thể trồng liên tiếp 2 vụ trên cùng một thửa ruộng. Đồng chí Đàm Minh Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết: Mặc dù trong quá trình thực hiện mô hình còn tồn tại một số hạn chế, một số hộ tham gia không tuân thủ, thực hiện đúng các khâu chăm sóc, quy trình kỹ thuật như: Không tỉa bớt mầm cho có mật độ phù hợp, bón ít phân hữu cơ, phân vô cơ bón không đúng quy trình, quy cách... nên kết quả chưa cao. Tuy nhiên, kết quả đạt được của cả mô hình thì vượt sự mong đợi. Lần khẳng định mô hình thâm canh cây mía tím đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình kinh tế này.


Mặc dù mô hình thâm canh cây mía tím tại Ba Chẽ thực hiện với quy mô còn ít hộ tham gia, nhưng hiện nay trên địa bàn huyện nhiều xã, thôn đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mía nên việc nhân rộng mô hình sẽ rất thuận lợi. Bên cạnh đó cây mía thâm canh ít bị sâu bệnh, kỹ thuật trồng và chăm bón đơn giản, thị trường tiêu thụ lớn. Do vậy việc phát triển, nhân rộng mô hình sẽ góp phần đắc lực trong công tác xoá đói, giảm nghèo cho địa phương.