Giảm nghèo từ rừng
Trưởng ban dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thanh Hiền cho biết, gần đây, tỉnh đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn sản xuất cho đồng bào ở miền tây, tạo được nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo. Cùng với những loại cây trồng ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay nhiều gia đình ở miền tây đã biết đầu tư vốn, xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng có hiệu quả. Nhờ đó, hộ nghèo giảm nhanh, đời sống được nâng cao đáng kể...
Từ những chủ trương đúng đắn, nhiều huyện miền núi đã xác định trồng rừng nguyên liệu để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Hằng năm, mỗi huyện bình quân trồng khoảng hơn 5.000 ha rừng keo nguyên liệu, nhờ đó nâng độ che phủ của rừng khoảng 50% tổng diện tích. Ði trên vùng đất miền tây Quảng Ngãi những ngày tháng 3 này, chúng tôi cảm nhận những cánh rừng keo bạt ngàn trải rộng trên các sườn đồi ở các huyện miền núi như: Trà Bồng, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà và Sơn Hà. Ðứng trên đỉnh đèo Eo Gió (huyện Nghĩa Hành), dốc Cà Ðáo (huyện Sơn Hà) có thể thấy hàng chục ha rừng trồng cách đây sáu năm đang xanh tốt, đã đến tuổi thu hoạch. Ðồng bào Hrê ở Sơn Hà, Minh Long, đồng bào Cà Dong ở Sơn Tây và người Co ở Trà Bồng có xóa đói, giảm nghèo nhanh cũng nhờ một phần phát triển mô hình kinh tế đồi rừng. Với diện tích rừng trồng hiện nay trên địa bàn miền tây Quảng Ngãi, bảo đảm cung ứng hơn 80% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong cho biết: Huyện ủy vừa thông qua kế hoạch tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác phát triển kinh tế rừng. Ðây là một trong những chương trình đột phá, góp phần phát triển kinh tế địa phương và giảm nghèo bền vững. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển mạnh mô hình kinh tế vườn rừng với phương châm "người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng". Nhờ đó, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục nghìn hộ dân... Ðưa chúng tôi thăm xã Ba Thành, Trạm trưởng Khuyến nông Ba Tơ Nguyễn Thanh Hiệp nói: Hiện nay, ngoài xã Ba Thành, các xã khác cũng đã đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng rất mạnh với khoảng 80% số hộ trên địa bàn tham gia, nhiều hộ đã đầu tư hàng chục triệu đồng cho mô hình trồng rừng. Ðáng chú ý, nhiều gia đình đã học tập, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và xin thuê đất, lập vườn ươm cây giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu. Nhờ đó, phong trào làm kinh tế đồi rừng đến nay đã nhân ra toàn huyện với hàng chục nghìn hộ tham gia, nâng diện tích rừng trồng lên hơn 9.000 ha; hằng năm khai thác hơn 3.000 ha rừng nguyên liệu. Từ mô hình trồng rừng, người dân có mức thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/năm.
Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ba Tơ đã tạo cây giống keo giâm hom và chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào miền tây Quảng Ngãi đầu tư phát triển mô hình kinh tế đồi rừng. Hiện công ty đã ký hợp đồng với hàng nghìn hộ trực tiếp làm kinh tế đồi rừng ở miền tây Quảng Ngãi. Công ty lo giống, phát dọn, đào hố trồng cây; người dân lo chăm sóc, bảo vệ. Tổng đầu tư cho trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch, công ty trả cho người dân khoảng 10 triệu đồng/ha rừng sản xuất. Sau bảy năm từ khi trồng đến thu hoạch, trừ chi phí mỗi hộ dân nhận khoán rừng cũng có lãi từ 20 đến 25 triệu đồng/ha. Thăm gia đình ông Phạm Văn Khải, xã Ba Cung, chúng tôi được ông cho biết: Hiện gia đình đã có sáu ha rừng keo nguyên liệu vừa thu hoạch xong, trừ chi phí đầu tư, gia đình đã thu hơn 80 triệu đồng. Ông Khải khẳng định, trước đây đồng bào chúng tôi trồng lúa, trồng mì chỉ đủ ăn, từ khi Nhà nước cho vay vốn phát triển trồng rừng keo nguyên liệu, chúng tôi đã có tiền để nuôi các con học hành, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc.
Nhân rộng mô hình chăn nuôi
Cùng với hiệu quả của mô hình trồng rừng, đồng bào miền tây Quảng Ngãi còn đầu tư nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo có hiệu quả như: phát triển vùng mía thâm canh, mì cao sản,... và nhất là mô hình chăn nuôi đang được chú trọng và nhân rộng trong nhiều địa phương. Tại các xã vùng cao Ba Giang, Ba Tô được Trạm khuyến nông huyện đầu tư heo giống, hỗ trợ tiền làm chuồng trại và hướng dẫn nuôi heo nhốt chuồng đạt hiệu quả. Ðến nay, đã có hàng chục hộ đồng bào ở xã Ba Giang nuôi heo sinh sản, heo thịt và mở rộng ra hàng trăm hộ ở vùng cao, vùng sâu đầu tư xây trại nuôi heo. Theo giới thiệu của Chánh Văn phòng UBND huyện Ba Tơ Hoàng Văn Tưởng về mô hình nuôi giống heo Omega, đang được nhân rộng với hàng chục hộ nuôi có kết quả ở xã vùng sâu Ba Vinh, tôi đến trang trại chăn nuôi của anh Bùi Minh Toàn, 35 tuổi, một "tỷ phú nông dân" mới thành đạt ở làng Nước Nẻ. Ðây cũng là chủ nhân của loại giống heo mới được đồng bào trong thôn, bản thường xuyên tìm đến trang trại để mua con giống và học tập kinh nghiệm làm ăn. Với mô hình nuôi thâm canh bằng giống heo Omega có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh và tăng trọng nhanh, trang trại của anh Toàn đã cho thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, bốn dãy chuồng nuôi heo của anh Toàn thường xuyên có hơn 28 heo nái, 200 heo thịt và có lúc đã nuôi hơn 400 con heo thịt, nếu trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng/năm.
Hiện nay, ngoài việc giúp đỡ cung cấp heo giống, anh Toàn còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo thâm canh cho nhiều hộ trong thôn. Nhờ đó, ngoài việc trồng keo, làm lúa nước, đồng bào trong xã đã phát triển nhanh mô hình nuôi heo kinh tế. Nhiều hộ đồng bào đã đầu tư trang trại nuôi từ 80 đến 200 con heo thịt, với thu nhập hằng năm vài trăm triệu đồng.
Bằng những quyết sách hợp lý và bàn tay cần cù của người dân, những mô hình kinh tế giảm nghèo đang được nhân rộng, góp phần làm cho miền tây Quảng Ngãi ngày một ấm no, phát triển.