Theo số liệu thống kê năm 2008, toàn tỉnh Quảng Ngãi có tổng đàn lợn trên 500 nghìn con. Tuy nhiên tại Quảng Ngãi hiện chưa có cơ sở cung ứng giống lợn ngoại sinh sản đảm bảo yều cầu, người dân phải đi mua lợn giống từ ngoài tỉnh. Ngoài việc phải chịu chi phí mua lợn giống cao, người chăn nuôi còn phải chịu chi phí về vận chuyển, nên lợi nhuận thu được từ nuôi lợn chưa cao.
Từ kết quả một số chương trình khuyến nông, đến nay xu hướng chăn nuôi lợn theo hướng thâm canh đang từng bước được ứng dụng, phát triển; người dân đã ý thức việc chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Xuất phát từ nhu cầu chăn nuôi lợn ngoại, được sự đầu tư hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường, nhằm hướng dẫn phổ biến cho nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn sinh sản và đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình được đầu tư hỗ trợ giống, thức ăn và các hoạt động triển khai, tập huấn, tham quan, tổng kết. Qui mô thực hiện 40 con lợn cái hậu bị giống ngoại hướng nạc (Yorshire, landrace và con lai giữa 2 giống này) tại xã Đức Lân (Mộ Đức) với 7 hộ nông dân tham gia. Thời gian thực hiện trong 2 năm (2008-2009), tổng kinh phí trên 141 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 47 triệu đồng.
Ông Lê Bộ ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (huyện Mộ Đức)- một nông dân tham gia mô hình cho biết: Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, mỗi năm nuôi 03 lứa, mỗi lứa 80 con, xuất chuồng bình quân 65-70kg/con, doanh thu 500 triệu đồng/năm, sau trừ chi phí (chưa tính công) lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.
Ông Lê Bộ cho biết thêm, ngay từ khi nuôi lợn ông đã xây hầm Biogas để xử lý phân và chất thải từ lợn. Khí gas được nấu thức ăn, thắp sáng, sưởi ấm cho lợn vào mùa đông. Trong thời gian tới ông sẽ đầu tư khoảng 5 triệu đồng để mua máy phát điện bằng gas.
Bước đầu Trung tâm khuyến nông đánh giá kết quả và hiệu quả của mô hình không những góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, mà còn tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Mô hình đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nông hộ trong vùng.