Lợn rừng là một giống vật nuôi đã mang lại nguồn lợi không nhỏ cho những người chăn nuôi ở một số nước Thái Lan, Trung Quốc. Ở Việt Nam, phong trào nuôi lợn rừng đang phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Năm 2008, huyện Kim Bôi triển khai mô hình trình diễn lai lợn rừng với lợn địa phương đạt kết quả khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều hộ dân.
Bà Vũ Thị Ngọc, Phó trưởng Trạm KNKL huyện Kim Bôi cho biết: Hiện nay, nuôi lợn rừng thuần gặp nhiều khó khăn do nguồn con giống hiếm, giá lợn giống lại đắt. Để giải quyết khó khăn trên, giải pháp lai lợn đực thuần và lợn nái địa phương được nhiều nơi áp dụng. Giá giống lợn rừng lai trên thị trường hiện nay là 150.000đ/kg và 120.000đ/kg đối với lợn thương phẩm.
Năm 2008, Trạm KN-KL Kim Bôi đã tổ chức tham quan học hỏi và xây dựng mô hình trình diễn “Lai lợn rừng với lợn địa phương”. Mục tiêu bước đầu của mô hình là giúp nông dân thêm một lựa chọn hiệu quả trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo nhu cầu thị trường nhằm đem lại lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích. Mô hình được triển khai tới 6 hộ tại 3 xã Bắc Sơn, Tân Thành, Sơn Thuỷ (Kim Bôi). Với quy mô 6 con lợn rừng đực giống Thái Lan và 27 con lợn nái địa phương trong độ tuổi sinh sản. Tổng kinh phí hỗ trợ mô hình gần 29 triệu đồng gồm 60% tiền giống lợn đực, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 40 hộ của 3 xã và đầu tư chiều sâu. Mô hình đã khảo sát, chọn mua 6 con lợn đực giống tận Ba Vì (Hà Tây). Riêng các hộ tham gia có tổng kinh phí gần 106 triệu đồng và phải đảm bảo đủ điều kiện chuồng trại, lao động, có từ 4 con lợn nái đang trong độ tuổi sinh sản trở lên và có đủ tiềm năng tài chính tham gia góp vốn xây dựng mô hình. Kết quả, 100% số lợn cái địa phương được thụ thai sau 2 lần phối giống, sinh ra 90 lợn sơ sinh lai F1. Sau 3 tháng tuổi, khối lượng trung bình của đàn lợn đạt 8,64kg, tốc độ tăng trưởng đạt 0,096kg/con/ngày.
Qua đánh giá sơ bộ, cả mô hình có tổng đầu tư trong 1 năm gồm khấu hao giống lợn, chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, công lao động, lãi vốn là trên 136 triệu đồng. Số lợn thương phẩm thu được trị giá 510 triệu đồng. Hạch toán lãi thu về đạt trên 373 triệu đồng.
Ông Bạch Công Nhi, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn phấn khởi: Tham gia mô hình, chúng tôi thấy lợn rừng lai lợn địa phương đem lại hiệu quả tốt, phù hợp với điều kiện KT- XH địa phương. Lợn con lai sinh ra có ưu thế lai cao ở bố mẹ như: khả năng chống chịu môi trường thiên nhiên, sức đề kháng cao với bệnh tật, thịt mềm, thơm ngon, nhiều nạc đang được người tiêu dùng ưa chuộng và giá trị kinh tế cao. Tính bình quân thu nhập cho một hộ có 1 con đực và 5 con nái đạt trên 76 triệu đồng/ năm (trừ chi phí). Hiện nay, số lợn con sinh ra không đủ cung cấp cho thị trường, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã đến tận nơi để đặt đặt mua cả đàn. Mặc dù chỉ được triển khai trong thời gian ngắn nhưng từ mô hình trình diễn ban đầu, mô hình lai lợn rừng với lợn địa phương đã được nhiều hộ dân nhân rộng và mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở huyện Kim Bôi.