00:00 Số lượt truy cập: 3233988

Mô hình nuôi bào ngư sát mép nước ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - Hiệu quả cao, cần được nhân rộng 

Được đăng : 03/11/2016

Tiềm năng và giá trị của bào ngư Bạch Long Vĩ nổi tiếng khắp thế giới. Nhiều vùng biển ở nước ta có bào ngư sinh sống, nhưng bào ngư ngon nhất, bổ nhất và nổi tiếng nhất chỉ có ở khu vực biển thuộc đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).


Bên cạnh việc bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quý này, huyện triển khai 2 mô hình nuôi bào ngư bằng phương pháp nuôi sát mép nước và lồng đánh chìm. Sau gần 1 năm thí điểm, kiểm tra 3 lần cho thấy, nuôi sát mép nước bằng hệ thống bể ở các bãi triều quanh đảo vừa tiết kiệm chi phí, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề là hiện chỉ có 2 hộ được phép nuôi thí điểm và chưa biết đến khi nào mở rộng để các hộ dân khác trên đảo được nuôi bào ngư, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.

Hộ ông Lê Văn Chuyền là một trong hai gia đình được chọn thí điểm mô hình nuôi bào ngư, ông Chuyền xây bể nuôi và thả 75 kg giống bào ngư, bắt đầu quá trình chinh phục tự nhiên để bào ngư phát triển một cách bình thường trên khu bãi triều quanh năm sóng gió ở ngoài đảo xa. Bể nuôi kích thước 10m3 (sâu 2m, dài 5m, rộng 1m), dưới đáy xếp so le một số vỉa đá mỏng cho bào ngư có chỗ bám, đặt ở khu vực bãi triều ven đảo, có mức nước phù hợp. Ở Bạch Long Vĩ sẵn rong mứt, các hộ nuôi dùng khoảng 15 - 17kg rong này làm thức ăn chính cho bào ngư với mật độ từ 1 đến 2 ngày/lần.

Quá trình nuôi thử nghiệm cho kết quả khả quan, hứa hẹn phát triển trên diện rộng và chọn được mô hình nuôi bào ngư phù hợp cư dân trên đảo Bạch Long Vĩ. Theo kết quả tổng hợp của Phòng Kinh tế huyện, qua 3 đợt kiểm tra, bào ngư phát triển bình thường và sau 9, 10 tháng nuôi có thể cho thu hoạch bào ngư thương phẩm.

Sự phát triển bình thường với kích thước đồng đều của bào ngư cho thấy, thức ăn, cách thức nuôi và môi trường tương đối phù hợp, độ tăng trưởng tốt. So sánh một số mô hình nuôi ở Quảng Ninh, Nha Trang và so sánh với chính mô hình nuôi bằng lồng sắt đánh chìm từ 4 đến 5m xuống khu vực ven biển cho thấy, mô hình nuôi sát mép nước phù hợp và ưu việt hơn. Bởi nuôi lồng sắt chi phí làm lồng tốn kém hơn, không bền do nước mặn tác động mạnh, chóng bị han, gỉ. Mặt khác, cho bào ngư ăn vất vả vì phải lặn xuống nước từ 4 đến 5m; vệ sinh lồng nuôi, phòng, chống bão gió khó hơn vì lồng đặt sâu, nằm ngoài biển.

Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cao Xuân Liên cho biết, tiếp tục đề xuất thành phố phân cấp giao UBND huyện quản lý tuyến bờ theo Nghị định 123/2006/NĐ-CP để có kế hoạch, sớm triển khai mở rộng diện nuôi, giao các hộ có nhu cầu và điều kiện nuôi bào ngư. Thực tế, có nhiều hộ muốn nuôi bào ngư, nhưng huyện mới chọn 2 hộ nuôi thí điểm. Hy vọng, mô hình này sớm được nhân rộng, vừa tránh nguy cơ cạn kiệt nguồn bào ngư tự nhiên do khai thác mang tính huỷ diệt, vừa tạo ra nguồn bào ngư thương phẩm có giá trị, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội đối với người dân huyện đảo còn nhiều khó khăn.