Thực hiện đa canh trên cùng diện tích, cá chình, cá bống tượng được nhiều nông dân chọn làm đối tượng nuôi chính sau con tôm. Ông Nguyễn Văn Hai, ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho biết: "Hai năm qua, do nuôi tôm kém hiệu quả nên gia đình tôi chuyển phần lớn diện tích đất nuôi tôm sang nuôi cá chình và cá bống tượng. Năm 2007, nhờ giá cá tăng cao và thời tiết thuận lợi nên thu nhập của gia đình tôi cũng thuộc vào hàng khá giả trong xã".
Cùng xóm với ông Hai, ông Nguyễn Văn Dân đang chuẩn bị thu hoạch 1ha lúa trên đất nuôi tôm. Bên cạnh thu nhập từ con tôm, cây lúa, ông còn có nguồn thu từ 10 ao nuôi cá chình, cá bống tượng mà ông đã thả nuôi hơn hai năm qua. Trước đây, ông chỉ tận dụng nuôi cá trong mương vườn với những ao nhỏ, gần đây, thấy được hiệu quả kinh tế từ nuôi cá, nên ông mạnh dạn khai phá một phần diện tích đất để chuyển sang nuôi cá. Không riêng gì ông mà hầu như nhà nào cũng có ao nuôi cá trên đất ruộng, hoặc đất nuôi tôm kém hiệu quả.
Từ năm 2006 đến nay, phong trào nuôi cá chình, cá bống tượng phát triển mạnh, đặc biệt là những xã trong vùng sản xuất lúa-tôm của huyện Cái Nước. Xã Phú Hưng có hơn 700 hộ nuôi trên tổng diện tích khoảng 40ha, xã Thạnh Phú có hơn 800 hộ nuôi chiếm diện tích trên 55ha. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền nên nhiều năm qua diện tích nuôi cá luôn phát triển, nhân rộng. Nhiều hộ nhờ nuôi cá đã vươn lên thoát nghèo. Người dân giờ đây không còn phụ thuộc vào con tôm mà đã biết thực hiện đa dạng cây trồng, vật nuôi để vươn lên làm giàu chính đáng. Đó cũng chính là mục tiêu phát triển mà Đảng bộ huyện Cái Nước đề ra trong đường lối phát triển kinh tế những năm sắp tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Trang Hoàng Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: "Định hướng phát triển kinh tế của xã trong những năm tới là sẽ tăng cường đa dạng vật nuôi, trong đó chú trọng đến việc phát triển diện tích nuôi cá bống tượng và cá chình bởi đây là loài có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, có thể phát triển thuận lợi theo quy mô kinh tế hộ gia đình. Chính quyền xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển đối tượng nuôi này.
Từ phong trào nuôi cá ở các địa phương mà diện tích nuôi cá chình trong tỉnh được nâng lên 750ha. Năng suất trên từng vụ nuôi đạt từ 6-10 tấn. Diện tích cá bống tượng đạt gần 600ha, năng suất bình quân từ 3-3,5 tấn/ha. Nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi cá để tăng thu nhập cho gia đình. Những mô hình nuôi cá nở rộ trên những cánh đồng Cà Mau sẽ mang lại hiệu quả cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.