00:00 Số lượt truy cập: 3229937

Mô hình sản xuất mới trên vùng ngọt hóa Gò Công 

Được đăng : 03/11/2016

Yên Luông, Gò Công Tây (Tiền Giang) trước đây là vùng trũng, nhiễm mặn, điều kiện canh tác hết sức khó khăn. Dự án ngọt hóa Gò Công hoàn thành đã góp phần tạo nguồn nước ngọt, khắc phục thiên nhiên khắt nghiệt, giúp chuyển đổi sản xuất một cách phù hợp, thúc đẩy nông dân xây dựng những mô hình làm ăn mang lại lợi nhuận cao. Đời sống nông hộ do vậy ngày một ổn định, làm giàu nhanh.


Điển hình là ông Nguyễn Ngọc Chánh, sinh năm 1958 cư ngụ tại ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông nổi tiếng với mô hình VCR (vườn – chuồng – ruộng). Với mô hình này, ông đã nâng tổng lợi nhuận trên một ha đất canh tác lên trên 100 triệu đồng/ năm.

Ông Nguyễn Ngọc Chánh cho biết, gia đình ông canh tác gần 1 ha đất trồng lúa. Trước đây, ông chỉ trồng độc canh lúa năng suất cao mỗi năm từ 1 đến 2 vụ. Trước đây, vùng Gò Công thiên nhiên khắt nghiệt, đất đai nhiễm mặn, thường thiếu nước canh tác vào mùa khô hạn nên năng suất lúa cũng bấp bênh. Từ khi hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt hoàn chỉnh với các trục kênh chính và kênh nhánh, kênh sườn, kênh nội đồng hoàn thiện đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, bà con tăng mùa, chuyển vụ, đưa toàn bộ đất đai lên canh tác 2 – 3 vụ/năm ăn chắc.

Với sự nhanh nhạy cùng khát vọng làm giàu từ đất đai theo hướng “ly nông bất ly hương", ông Chánh đã xác định mô hình sản xuất thích hợp, hiệu quả, có thể giúp nông hộ giàu nhanh và bền vững. VCR là mô hình ông hướng tới bởi tính khả thi, phù hợp với thực tế lao động, đất đai của gia đình và "đầu ra" nông sản thuận lợi. Ông đầu tư xây cất chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và lợn nái kết hợp với lắp hầm túi ủ biogas. Trong chuồng nuôi thường xuyên 2 con lợn nái, hàng chục con lợn thịt. Lợn thịt và lợn nái kết hợp hầm ủ biogas cho nhiều ưu điểm: hiệu quả kinh tế, giải quyết được ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cung cấp nguồn khí đốt hữu dụng cho gia đình...

Phần đất ruộng gần 1 ha, ông luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ màu. Ông chọn trồng các giống lúa thơm, chất lượng cao, bán có giá trên thị trường, còn màu trồng dưa hấu. Dưa hấu là cây màu thích hợp với thổ nhưỡng nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công trong đó có Yên Luông. Thương hiệu dưa hấu Gò Công luôn được tín nhiệm và khẳng định trên thị trường các tỉnh phía Nam nhờ chất lượng ngon "có một không hai". Ngoài ra, ông còn trồng xen canh thêm dưa lê hoặc một số cây màu có giá trị kinh tế khác nhằm tăng thêm thu nhập.

Ông Chánh hạch toán, hàng năm cây lúa cho thu lãi khoảng 25 triệu đồng, chăn nuôi trên 20 triệu đồng, cây màu trên 72 triệu đồng. Như vậy, với gần 1 ha đất sản xuất mỗi năm ông thu lãi ròng trên 116 triệu đồng. Làm ăn khấm khá, hiệu quả cao và bền vững từ mô hình VCR, ông Chánh đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quí. Đó là, cần lao tâm, khổ tứ tìm ra mô hình sản xuất thích hợp; nhạy bén ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trong quá trình sản xuất hiệu quả, biết không ngừng học tập và trau giồi trình độ thâm canh theo khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản hàng hóa tốt.

Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Thạnh Phong, ông Nguyễn Ngọc Chánh thường xuyên đi tham quan, học tập kinh nghiệm thâm canh của bà con các nơi để ứng dụng trong thực tiễn sản xuất của mình; đồng thời tận tình hướng dẫn bà con trong xóm ấp áp dụng một cách hiệu quả. Làm giàu từ mô hình VCR độc đáo trong nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công, đồng thời tích cực quảng bá mô hình mới để nông dân trong xóm ấp cùng làm giàu chính là đức tính đáng quí của ông Nguyễn Ngọc Chánh./.