00:00 Số lượt truy cập: 3233974

Mô hình tôm - lúa hiệu quả cao ở Bạc Liêu 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã chuyển đổi hơn 80.000 ha đất nông - lâm - diêm nghiệp sang nuôi tôm. Tuy nhiên, do sự hộ chuyển đổi ồ ạt, bất chấp những điều kiện về kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn, thủy lợi,... nên nhiều diện tích tôm nuôi bị chết hàng loạt, làm hàng nghìn hộ nông dân rơi vào cảnh khó khăn.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã nhận ra tác hại của sự nóng vội, chạy theo phong trào nuôi tôm; đồng thời áp dụng các mô hình sản xuất như tôm - lúa, tôm - lúa - cá đồng; tôm - rừng kết hợp.., nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao bền vững, mở ra triển vọng làm ăn mới.

Người nông dân đi đầu với mô hình tôm - lúa

Sau tám năm chuyển đổi sản xuất, đến nay, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Bạc Liêu đều khẳng định, việc nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp, không giống như trồng lúa, vì nuôi tôm cần một quy trình kỹ thuật đòi hỏi khá cao và nghiêm ngặt, nguồn vốn đầu tư lớn. Không ít hộ dân lấy kinh nghiệm trồng lúa hoặc nuôi cá để áp dụng cho con tôm công nghiệp, bán công nghiệp nhưng đều thất bại, lâm vào cảnh điêu đứng, lao đao. Từ thực tiễn thất bại và thành công trong sản xuất, chính quyền và nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã thay đổi cách nghĩ và cách sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổng kết kinh nghiệm sản xuất trong nhiều năm qua cho thấy, mô hình lúa - tôm, lúa - cá - tôm, tôm - rừng (nuôi tôm kết hợp trồng rừng phòng hộ ở vùng ven biển) luôn đạt hiệu quả và bền vững. Ðiều này không chỉ thể hiện ở những cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc sản xuất hàng hóa.

Ở thị trấn Phước Long (huyện Phước Long), ai cũng biết ông Lê Minh Hận là một trong những nông dân luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên mảnh đất của mình. Nhiều người còn gọi ông Hận là "Kỹ sư chân đất" vì ông có công trong việc áp dụng mô hình sản xuất mới đầu tiên đem lại hiệu quả kinh tế cao trong huyện. Chúng tôi tận mắt chứng kiến cánh đồng lúa của ông rộng 3,5 ha xanh mơn mởn. Dưới ruộng lúa là tôm càng xanh, tôm sú sắp cho thu hoạch. Cất vó lên xem, hàng chục con tôm càng xanh trọng lượng khoảng 40 con/kg nhảy lách tách, trông thật thích mắt. Ông Hận cho biết, với mô hình sản xuất lúa - tôm - cá đồng, mỗi năm ông thu lãi từ 150 đến 200  triệu đồng. Trong đó, từ nuôi tôm thu hơn 120 triệu đồng, lúa 50 triệu đồng và cá các loại hơn 20 triệu đồng. Từ mô hình sản xuất của gia đình ông Hận, hiện nay ở huyện Phước Long có hàng trăm hộ cũng áp dụng theo mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, không rủi ro như khi chỉ nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp. Thực tế ở Bạc Liêu nói chung và ở huyện Phước Long nói riêng, trong thời gian qua có không ít hộ do chỉ mê nuôi tôm sú công nghiệp với mục đích làm giàu nhanh chóng mà bị thất bại, mất vốn và nợ nần.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phước Long Ðặng Tiến Út, đến nay, toàn huyện có hơn 3.240 hộ với gần 5.400 ha đất sản xuất được bà con nông dân áp dụng theo mô hình tôm - lúa, tôm - lúa - cá đồng; bình quân mỗi hộ thu lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha/ năm; có không ít hộ thu hơn 50 triệu đồng/ha/năm.


Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu.

Thoát nghèo nhờ áp dụng mô hình sản xuất mới

Những ngày đầu Xuân Mậu Tý, chúng tôi trở lại Hòa Bình, một trong những huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững không kém so với huyện Phước Long. Các cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện dẫn tôi đến thăm một số hộ nông dân năng động, táo bạo trong việc thay đổi mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các xã Minh Diệu, Vĩnh Bình, Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, mấy năm về trước, nhiều hộ dân ở các xã này rất nghèo khó. Vài năm trở lại đây nhờ thay đổi cách làm ăn, thực hiện các mô hình sản xuất mới như lúa - tôm, lúa - cá; tôm - rừng; nuôi cá bống kèo kết hợp làm muối, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, ít hộ bị thua lỗ nặng như chỉ độc canh nuôi con tôm sú, nên đời sống kinh tế khấm khá hơn trước rất nhiều. Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện xây nhà mới, sửa chữa nhà, mua sắm tiện nghi đắt tiền; đồng thời đóng góp tiền cùng địa phương làm đường nhựa, đường xi-măng nối liền các ấp, tạo cho bộ mặt làng quê khởi sắc,...

Bí thư Huyện ủy Hòa Bình Lê Dũng nói: "Trước khi thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững, tình hình sản xuất của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hai năm qua nhờ đổi mới tư duy và cách làm ăn mới, nên sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện có bước phát triển. Kết quả chứng minh một cách sinh động là ngày càng có nhiều mô hình sản xuất kết hợp, luân canh, nên rủi ro thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thí dụ như mô hình sản xuất lúa - tôm, lúa - cá, sau khi trừ các khoản chi phí, người sản xuất còn có lãi từ 25 đến 35 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này thực hiện theo cách: Ðào mương chung quanh diện tích trồng lúa. Trên mặt ruộng thì trồng lúa, dưới mương nuôi cá. Cá thì ăn rầy, côn trùng; phân cá thải ra làm phân bón cho lúa. Ưu điểm là giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhưng lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, đang trở thành phong trào sản xuất của hộ nông dân trong toàn huyện".

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Giá Rai..., mô hình sản xuất lúa - tôm, lúa - tôm - cá đang được áp dụng rộng rãi với tổng diện tích lên đến hàng chục nghìn ha. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất người nông dân vẫn gặp không ít khó khăn như điều kiện sinh thái, chất lượng tôm giống chưa bảo đảm, thị trường tiêu thụ không ổn định,...

Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Bạc Liêu Tiền Hải Lý cho biết, nhằm khuyến khích, phát triển mô hình lúa - cá - tôm, UBND tỉnh chỉ đạo và đầu tư gần 500 triệu đồng mua sắm thiết bị cho Trại nghiên cứu thủy sản huyện Phước Long, để sản xuất tôm càng xanh và cá nước ngọt. Ðây được coi là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và khai thác tốt nguồn tài nguyên đất, cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường sản xuất.

Theo Giám đốc Tiền Hải Lý, sản xuất tôm càng xanh và cá giống nước ngọt tại địa phương sẽ hạn chế được tình trạng khan hiếm con giống, người nuôi không phải mua con giống trôi nổi không bảo đảm chất lượng. Cụ thể, giá tôm càng xanh giống do địa phương sản xuất giá bán khoảng 100 đồng/con, trong khi mua giống từ các thương lái có giá 150 đồng/con, đó là chưa tính chi phí vận chuyển, con giống bị hao hụt. Thực hiện mô hình kết hợp lúa - tôm càng xanh chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tôm càng xanh từ khi thả nuôi đến lúc thu hoạch mất khoảng sáu tháng, trong khi thời gian gieo sạ lúa đến thu hoạch là bốn tháng. Vì vậy, tôm càng xanh giống trước khi xuất bán sẽ được ứng trước khoảng hai tháng để khi nuôi kịp thu hoạch với lúa, nên tôm nuôi trong giai đoạn này đã lớn, sẽ giảm lượng hao hụt về đầu con. Ngoài lợi nhuận thu được từ lúa, còn tận dụng được nguồn thức ăn từ một số loài vật gây hại cho lúa như chuột đồng, ốc bươu vàng..., vốn là thức ăn rất thích hợp cho tôm càng xanh phát triển. Mặt khác, chi phí đầu tư nuôi tôm càng xanh ít hơn so với nuôi tôm sú và rủi ro rất thấp. Về thị trường, giá tôm càng xanh tương đối cao và ổn định đầu ra, tôm loại trung bình có giá 90.000 - 100.000 đồng/kg, loại lớn 130.000 - 150.000 đồng/kg,...

Có thể khẳng định mô hình tôm - lúa; lúa - tôm - cá đồng kết hợp... được xem là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Bạc Liêu. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, chính quyền và các sở, ngành chức năng trong tỉnh cần làm tốt công tác thủy lợi, tăng cường tập huấn, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Mặt khác, chính quyền và các ngân hàng cần xem xét đầu tư vốn để nông dân có điều kiện sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững.