Nuôi vịt chạy đồng khi có dịch bệnh H5N1 sẽ phát tán nguồn bệnh đi nhiều nơi. Mặc dù khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng đều vì bà con nông dân mình cả. Thế nhưng từ hơn hai thập kỷ đến nay, người nông dân không nghe theo mà vẫn cứ làm ở mức độ khác nhau tùy điều kiện, bước đầu đã đạt kết quả.
Thạc sĩ Lê Minh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Hiệu trưởng Trường đại học An Giang, đã nói cần những bằng chứng khách quan về ba vụ lúa làm kiệt đất cụ thể thế nào, làm cầu sâu bệnh hại mùa màng ra sao. Khi trao đổi ý kiến trực tiếp với cán bộ kỹ thuật địa phương thường xuyên tiếp xúc đồng ruộng và bà con nông dân, thì nhiều anh chị em tỏ ra đồng thuận với việc làm của nông dân.
Theo GS, TS Nguyễn Thơ thì rầy nâu bột phát có tính chu kỳ. Thạc sĩ Trang Tửng, cán bộ kỹ thuật ở tỉnh Trà Vinh có nhận xét khi có dịch rầy nâu thì vùng 3, vùng 2, ngay cả vùng 1 vụ lúa mùa đều bị nhiễm.
Nghề nuôi vịt chạy đồng thường xuất hiện ở nơi sản xuất lúa tập trung. Tăng vụ lúa là điều kiện mở rộng diện nuôi vịt chạy đồng. Vùng ÐBSCL có đầu vịt chiếm tới 60% tổng đàn vịt cả nước. Tổng đàn gia cầm hiện nay ở ÐBSCL có khoảng 33 triệu con, thì đàn vịt chiếm hai phần ba, trong đó nuôi theo hình thức chạy đồng chiếm khoảng 70%. Có nước đã dùng vệ tinh viễn thám theo dõi đàn vịt qua mầu sắc của vùng trồng lúa. Trung Quốc là nước có đàn vịt đứng đầu thế giới, đứng thứ hai là Việt Nam.
Mối quan hệ giữa nông dân trồng lúa và nuôi vịt là có cơ sở hai bên cùng có lợi. Người nuôi vịt chỉ phải chi tiền thức ăn vài tháng đầu, sau đó đàn vịt tận dụng hạt lúa rơi rụng, kể cả hạt lửng, hạt lép, cùng sâu bọ hại lúa và một số ốc, cua, cá, tép, cỏ dại và sục bùn làm tơi thoáng đất. Cho nên, so với các hình thức nuôi vịt khác, thì cách nuôi vịt chạy đồng có lãi nhất. Người trồng lúa, ngoài tiền thu nhập do người nuôi vịt "mua đồng", năng suất lúa còn tăng thêm do tác động của đàn vịt băng qua như kể trên và còn giảm được vài lần xịt thuốc sâu rầy. Theo kết quả nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ, ở ruộng có đàn vịt chạy qua có thể tăng năng suất lúa được vài tạ thóc/ha, dung trọng đất giảm được từ 0,87 xuống 0,73, dung trọng tính bằng g/1 cm3 đất lúa nguyên dạng, như vậy đất được xốp hơn. Mối quan hệ giữa việc trồng hơn hai vụ lúa với đất thế nào, hiệu quả ra sao là vấn đề khá phức tạp và cũng đã được nghiên cứu trong sản xuất cũng như trong điều kiện chính quy của các viện và trường đại học, ở cả trong và ngoài nước.
Tỉnh An Giang rất quan tâm vấn đề này, trước đây có lúc kỷ luật tới bảy chủ tịch xã do để nông dân làm ba vụ lúa, mà cũng không dẹp được vụ 3. Nay đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo sản xuất, là giúp bà con nông dân làm vụ 3 tốt hơn ở nơi có điều kiện. Thực tế cho thấy, có nơi trong vùng đê bao khép kín muốn năng suất lúa ổn định phải bón tăng phân, có khi gấp rưỡi và hơn. Nhưng nói chung, cũng như toàn vùng ÐBSCL, năng suất và sản lượng lúa năm sau luôn tăng hơn năm trước và năm 2008 này đạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo tổng kết sản xuất lúa ở tỉnh Trà Vinh: Vụ thu đông hơn 90 nghìn ha, trong đó có gần 19.000 lúa mùa, đạt năng suất bình quân là 4,38 tấn/ha; giá thành sản xuất thấp nhất, từ 1.774 đồng đến 2.247 đồng/kg; vụ đông xuân làm gần 54 nghìn ha, đạt 5,48 tấn/ha, giá thành sản xuất 1.855 đồng-2.557 đồng; vụ hè thu có gần 83 nghìn ha, giá thành cao nhất: 2.241 đồng - 3.026 đồng. Cán bộ kỹ thuật ở Trà Vinh và nhiều địa phương khác cho biết, nếu muốn cắt cầu nối sâu bệnh từ vụ trước sang vụ sau thì trước hết cần khắc phục tình trạng "liên miên vụ", hay lúc nào cũng có ruộng lúa xanh xen ruộng lúa chín trên đồng. Tỉnh Ðồng Tháp có kết quả nghiên cứu ba vụ lúa khá phong phú, được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ÐTM và Phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười. Công trình nghiên cứu được thực hiện từ năm 2000 đến 2005. Nội dung nghiên cứu bao gồm nhiều yếu tố kỹ thuật trồng trọt, từ khâu làm đất, thời vụ, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh. Kết quả cho thấy: Vùng hai vụ lúa không có đê bao, năng suất lúa đông xuân đạt 6,46 tấn/ha, hè thu đạt 4,64 tấn/ha, đạt lãi thuần cả năm là 8,48 triệu đồng/ha; Vùng ba vụ lúa, có đê lửng chống lũ từng phần, năng suất lúa đông xuân đạt 6,84 tấn/ha, hè thu đạt 4,67 tấn/ha, thu đông đạt 4,27 tấn/ha; lãi thuần cả năm là 13,4 triệu đồng/ha; Vùng 3 vụ lúa đê bao khép kín chống lũ triệt để, năng suất lúa đông xuân đạt 6,50 tấn/ha, hè thu đạt 5,18 tấn/ha, lúa thu đông đạt 4,78 tấn/ha, lãi thuần cả năm là 16,7 triệu đồng/ha. Như vậy, làm ba vụ lúa lãi hơn hai vụ 5 - 8 triệu đồng/ha/năm. Tất nhiên, kết quả nghiên cứu nào cũng không thể đúng với mọi trường hợp.
Viện lúa ÐBSCL bắt đầu vào cuộc từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, bằng thí nghiệm dài hạn và được kiểm soát chặt chẽ. Kết quả của hàng chục vụ thí nghiệm liên tục trên cùng một lô ruộng cho mỗi nghiệm thức cho thấy, lô không bón phân, không cho nước lũ vào thì năng suất lúa chỉ giảm dần đến giới hạn nhất định. Có bón phân cân đối, có nước lũ đem phù sa đến, năng suất lúa tăng ở nhiều nghiệm thức, phù hợp năng suất lúa toàn vùng tăng liên tục. Viện Lúa quốc tế (IRRI) thừa nhận: Quy luật hiệu suất sản xuất lúa giảm dần nói chung chưa thấy thể hiện ở ÐBSCL nước ta, mà có thể hiện ở nhiều nước. Chính do có thí nghiệm dài hạn trên mà Viện Lúa ÐBSCL, sau đó là một số viện khác được tham gia mạng lưới quốc tế Mega Project do IRRI điều phối nghiên cứu đảo ngược tình trạng hiệu suất sản xuất lúa giảm dần, hay năng suất lúa đạt tới mức nào đó thì muốn giữ ổn định, phải đầu tư nhiều hơn cho một đơn vị sản phẩm. Các viện tham gia mạng lưới nghiên cứu này, ngoài việc học tập thêm lý luận và kỹ năng nghiên cứu, còn được đầu tư đến nay tới gần triệu USD.
Từ tầm nhìn đến một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, khi nước biển dâng cao và khí hậu ngày một khắc nghiệt, có thể thấy tăng vụ lúa ở những nơi những lúc có điều kiện, bằng những giống rất ngắn ngày như làm ba vụ lúa như hiện nay, cùng với nuôi "vịt nước", vịt chạy đồng sẽ trở thành hai trong những biện pháp nông nghiệp thích nghi hữu hiệu: né lũ và "sống chung" với lũ.
Tuy chưa được đầy đủ, nhưng đã có cơ sở thực tế và cơ sở khoa học, có sự chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lúa vụ 3 và vịt chạy đồng. Bà con nông dân có thể yên tâm thực hiện, nếu thấy mình có điều kiện và có lợi.