00:00 Số lượt truy cập: 3229675

Mở rộng diện tích cao su ở Tây Bắc: Đừng theo phong trào! 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, cao su trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta với kim ngạch ngày càng tăng, năm 2010 đạt trên 2,2 tỷ đôla Mỹ. Nhờ trồng cao su mà nhiều địa phương đã chuyển đổi được cơ cấu cây trồng và giàu lên; nhiều gia đình, kể cả người dân tộc thiểu số, có thu nhập ngày càng cao, thu hàng chục triệu, hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ từ cao su. Để tăng nguồn hàng xuất khẩu, mở rộng diện tích cây cao su ở vùng Tây Bắc được xác định là giải pháp đa lợi ích.


Cao su là cây có giá trị nhiều mặt (mủ, hạt, gỗ,... được sử dụng nhiều trong công nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống); là cây dễ trồng, dễ chăm sóc; chu kỳ khai thác, kinh doanh dài, tới 20 năm. Cây cao su trồng tập trung có độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, làm tốt đất, cải thiện môi trường và là một trong những giải pháp khai thác lợi thế đất đai của khu vực trung du, miền núi với hiệu quả nhiều mặt, cả kinh tế và xã hội bởi tạo ra công ăn việc làm, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo và làm giàu, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển...

Cây cao su có mặt ở nước ta từ khá lâu. Trước kia, cao su chỉ được trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới ấm (từ vĩ tuyến 10 độ Nam đến 16 độ Bắc - vùng đất đỏ bazan Đông Nam Bộ). Sau nhiều năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm tập đoàn 30 giống gồm nhiều dòng cao su khác nhau tại xã Phú Hộ (TX. Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), các nhà khoa học thấy có 19 giống có tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt (vụ rét 2008 không cây nào bị chết), năng suất mủ đạt khá, từ 1,2 đến 1,6 tấn/ha. Trên cơ sở đó, từ năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiến hành trồng thử nghiệm cây cao su ở vùng Tây Bắc (theo mô hình của tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, nơi có điều kiện khí hậu, đất đai như Tây Bắc). Qua theo dõi, các nhà khoa học cho biết, cây cao su trồng ở Tây Bắờc không thua kém cây cao su trồng ở Tây Nguyên.

Căn cứ kết quả thực nghiệm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 (Quyết định số 750/2009/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2009), theo đó, đến năm 2020, vùng Tây Bắc sẽ có 50.000ha cao su.

Việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được các địa phương Tây Bắc đón nhận với khí thế sôi nổi, hào hứng. Các địa phương coi đây là giải pháp đưa Tây Bắc vươn lên khá - giàu, theo kịp nhịp độ phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, tốc độ mở rộng diện tích cao su nhanh hơn công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su cho người dân và việc bà con một số vùng tự phát đưa cây cao su ra ngoài vùng quy hoạch; thêm vào đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết vùng Tây Bắc đã có những biến đổi khó lường (rét đậm, rét hại kéo dài, khô hạn,...), bởi vậy, đã có những diện tích cao su bị chết. Việc này không chỉ là lỗi của người dân mà còn là sự chỉ đạo chưa chặt chẽ của chính quyền các địa phương và sự phối hợp thiếu đồng bộ của các đơn vị liên quan.

Để cao su thực sự là cây làm giàu, các cấp chính quyền khu vực Tây Bắc cần đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt với bước đi phù hợp, làm đâu chắc đó, đừng vì thành tích mà lặp lại căn bệnh “làm theo phong trào”; các cơ quan khoa học chuyên ngành cần tiếp tục nghiên cứu để có những giống cao su phù hợp. Tập đoàn Công nghiệp Cao su cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các địa phương trong việc triển khai kế hoạch.