00:00 Số lượt truy cập: 3230046

Năm 2011, thời cơ vàng cho ngành cao su? 

Được đăng : 03/11/2016
Nhu cầu và giá cao su thế giới ngày một tăng đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cao su Việt Nam nâng cao vị thế.

Theo dự báo của Hiệp hội Cao su Thế giới, nhu cầu cao su sẽ tiếp tục ở mức cao trong 10 năm tới và giá khó có thể giảm do nguồn cung hạn chế, cộng thêm tác động của sự phục hồi kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng mạnh. Đây chính là thời cơ vàng cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam.

Một thập niên nữa vẫn tăng

Năm 2010, lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trên thế giới dự kiến đạt 10,43 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2009. Trong khi đó, tiến sĩ Suarmi Sumormo, Trưởng bộ môn Thị trường và Kinh tế (Tổng cục Cao su Malaysia) cho rằng, nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng 35% trong vài năm tới. Hiện châu Á chiếm 94% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, ngôi đầu thuộc về Thái Lan, Indonesia đứng thứ hai, các vị trí tiếp theo lần lượt là Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Stephen Evans, Tổng thư ký Tổ chức Khảo cứu cao su thế giới cho biết, 70% cao su thiên nhiên được sử dụng để sản xuất vỏ xe và thị trường ô tô thế giới đang phục hồi. Bridgestone Corp, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới của Nhật Bản dự kiến, tổng doanh số bán hàng từ năm 2009-2015 sẽ tăng 40%. Tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng được dự báo phát triển mạnh trong vòng 10 năm tới, kéo theo nhu cầu về cao su sẽ vào khoảng 14 triệu tấn/năm. Nhưng trên thực tế, ông Evans cho biết, sản lượng cao su thế giới chỉ có thể đạt 10 triệu tấn/năm.

Mặc dù nhu cầu cao su rất lớn nhưng nguồn cung lại đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân một phần do mưa lũ ảnh hưởng không tốt đến cây trồng tại các nước xuất khẩu cao su lớn là Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Thêm vào đó, trong năm qua, diện tích cao su ở Trung Quốc bị thu hẹp, lượng cây già cỗi tăng. Hơn nữa, diện tích trồng cao su của Thái Lan bị ảnh hưởng bởi chính phủ nước này áp dụng mức phụ thu cao đối với diện tích tái canh.

“Hiện giá cao su trên thị trường thế giới trung bình khoảng 3.000 USD/tấn và thời gian tới có thể tăng lên 3.300 USD/tấn”, ông Sumormo dự báo.

Cao su Việt chuyển động

Trong lúc giá và nhu cầu cao su thế giới tăng cao thì lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam lại giảm, do người dân phá bỏ cao su để trồng những loại cây khác giá trị hơn. Bộ Công Thương dự báo, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại trong quý IV/2010 vì nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng và nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu qua đường chính ngạch.

Thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt hơn 1,6 tỉ USD, dự kiến cả năm đạt 2 tỉ USD. Các doanh nghiệp sản xuất cao su đang lên kế hoạch mở rộng diện tích trong thời gian tới. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, diện tích trồng cao su của tập đoàn là 270.000ha, chiếm 40% diện tích trồng cao su của cả nước, sản lượng xuất khẩu chiếm 85%. Tập đoàn đang triển khai phương án trồng cao su đa mục tiêu (vừa khai thác mủ, vừa khai thác gỗ), đồng thời mở rộng diện tích trồng cao su ở những vùng đất mới như Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và vùng biên giới Tây Nguyên.

Ngoài ra, tập đoàn còn tiến hành tìm những giống cây trồng phù hợp với từng vùng và khai thác theo hình thức liên doanh hoặc cổ phần với người dân để phát triển cây trồng này. Một xu hướng nữa đang được tập đoàn hướng đến là mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời hướng đầu tư ra nước ngoài do quỹ đất trong nước không còn. Những nước nằm trong chiến lược này gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Nam Phi.

Các nhà sản xuất sản phẩm cao su xuất khẩu có hướng đi khác. Ông Nguyễn Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam cho biết, thời gian tới, thị trường sản xuất lốp xe cao su Việt Nam sẽ phát triển vì các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đang giảm sản lượng do giá cao su tăng. Đây là cơ hội để các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, giành lợi thế vượt trội trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lốp xe.

Với những dự báo đó, hy vọng ngành công nghiệp cao su Việt Nam sẽ đón một tương lai sáng sủa trong năm 2011.