00:00 Số lượt truy cập: 2679084

Nam Phong đi lên từ...mía 

Được đăng : 03/11/2016
- Cách đây chỉ ít năm, nói đến xã Nam Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) người ta thường liên tưởng đến một xã nghèo, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc trồng lúa nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Những ngày này nếu ai đến nơi đây thì sẽ thấy một khung cảnh đã hoàn toàn đổi khác. Nam Phong đã khởi sắc lên rất nhiều từ trồng cây mía , một “đặc sản” của vùng đất này...


Nhận thấy thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp với cây mía , một loại cây “đặc sản” truyền thống của địa phương nhưng lâu nay chưa được phát huy thế mạnh, từ đầu năm 2000, Đảng uỷ xã Nam Phong đã đề ra kế hoạch bao gồm các biện pháp, trước hết nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao sản lượng lúa, ngô hàng năm, để đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, đồng thời động viên nhân dân ra sức phát triển nghề trồng mía, dùng cây mía làm “binh chủng chủ lực” để xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân và phát triển kinh tế địa phương. Thực hiện phương án này, trước hết Đảng uỷ xã đã tích cực chỉ đạo chính quyền, hợp tác xã và các đoàn thể qaafn chúng động viên và hướng dẫn bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng các nguồn quỹ hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hệ thống kênh mương thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 80% diện tích đồng ruộng, tăng diện tích gieo trồng 2 vụ lên tới trên 90 ha; đưa vào sử dụng gieo trồng trên 90% diện tích các loại giống lúa mới cho năng suất cao, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó năng suất lương thực của xã ngày càng được cải thiện, với năng suất đạt trên 50 tạ/ha; đưa bình quân lương thực toàn xã đạt con số 360kg/người/năm. Như vậy Nam Phong về cơ bản đã đảo bảo được an ninh lương thực trên địa bàn.

Đồng thời với việc đảm bảo an ninh lương thực, Đảng uỷ xã chỉ đạo chính quyền, các hội, đoàn, động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển diện tích cây mía của xã. Mía Nam Phong vốn có 2 loại: mía trắng và mía tím. Cây mía tím giá cả tương đối ổn định hơn, tuy nhiên lãi suất thấp, mức đầu tư và công chăm sóc lại đòi hỏi nhiều hơn. Còn trồng mía trắng lãi tới 2/3 tổng thu nhập nhưng giá cả lại không ổn định, phụ thuộc vào thị trường thu mua của các nhà máy đường. Chính vì vậy, chủ trương của Đảng uỷ là vận động bà con trồng cả hai loại để đảm bảo thu nhập, chống thất thu cho bà con. Thấy rõ lợi ích của cây mía, bà con nông dân đã dồn sức, cố gắng phát triển cây mía. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực, hoa màu của cả xã Nam Phong là 301,7 ha, trong đó diện tích trồng mía là đã là 150 ha, bao gồm 80 ha mía trắng và 70 ha mía tím. Trên địa bàn của xã đang xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình nhờ trồng mía, điển hình như gia đình ông Đinh Đức Bân, Chủ tịch Hội Nông dân xã trồng tới 3 ha mía, đồng thời phát triển trang trại chăn nuôi bò và làm dịch vụ xay xát, thu nhập mỗi năm trên một trăm triệu đồng; gia đình anh Bùi Văn Tiên ở xóm Chẹo, có diện tích trồng mía lên tới 7000m2, đồng thời phát triển chăn nuôi cho thu nhập khoảng trên 70 triệu đồng/năm; hoặc như tại xóm Dẻo Trong, có gia đình anh Bùi Văn Lê, là thương binh hạng 1/4, trước kia có cuộc sống rất thiếu thốn, khó khăn, nhờ được Đảng uỷ và chính quyền xã quan tâm giúp đỡ về vốn, giống, đã vươn lên đẩy mạnh sản xuất trồng mía, đến nay đã có thu nhập đáng kể, xây được nhà kiên cố và sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong gia đình.

Hôm chúng tôi về thăm Nam Phong, đúng vào ngày thu hoạch mía, trên tuyến đường khá rộng của xã, nhộn nhịp xe cộ của nhà máy, của người thu mua mía tấp nập vào ra. Ông Đinh Duy Thích, Chủ tịch UBND xã hồ hởi cho biết: mía tím được bán với giá từ 1000 đồng đến 1500 đồng/cây; mỗi ha mía tím được trồng khoảng 5000 cây, cho thu nhập từ 25 triệu đến 30 triệu đồng, còn mía trắng cho thu nhập cao hơn, từ 35 đến 40 triệu đồng/ha. Cây mía đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho người dân Nam Phong.

Hiện nay bà con Nam Phong đã quen với việc trồng mía để nâng cao đời sống. Những khoảng đất đồi, đất dốc cũng được tận dụng để trồng mía, diện tích cây mía ngày càng được mở rộng hơn. Cây mía đã khẳng định được thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần làm tăng bình quân thu nhập của người dân Nam Phong từ 2 triệu đồng/người (năm 2000) lên tới trên 4 triệu đồng/người/năm 2005. Cây mía cũng góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của Nam Phong từ 13% xuống 9% (năm 2005). Hiện Nam Phong có tới trên 30% số hộ giàu, với thu nhập từ 35 triệu đồng/năm.

Kinh tế phát triển, Nam Phong càng thêm chú trọng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho bà con. Trạm xá kiên cố đã mọc lên, điện được kéo về, tất cả các cháu đến độ tuổi đi học đã cắp sách tới trường. Thực tế đã chứng minh hướng đi đúng đắn của Đảng uỷ, chính quyền và toàn thể nhân dân Nam Phong. Cây mía đã và đang tiếp tục góp phần làm cho cuộc sống của người dân xã vùng núi Nam Phong đang đi lên từng ngày...