00:00 Số lượt truy cập: 3234579

Nâng cao thu nhập từ cây chột nưa 

Được đăng : 03/11/2016

Vốn là vùng đất thấp, trũng, nên việc canh tác của bà con nông dân xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) gặp rất nhiều khó khăn.


Tuy nhiên, từ khi cây chột nưa được đưa về trồng tại đây (năm 2000), người dân đã có cơ hội nâng cao thu nhập.

Chột nưa lấy về, bóc vỏ từ gốc đến ngọn, xắt thành từng khúc để nấu canh hay muối dưa, củ hoặc để dành làm giống cho vụ sau. Từ chột nưa người ta có thể chế biến những món ăn hấp dẫn như kho với cá, hoặc dùng để nấu món canh chua với tôm, cá trê, cá tràu (cá quả, cá lóc).

Hiện Quảng Thọ có gần 10ha chột nưa được trồng trong vụ đông, đem lại thu nhập 5 - 7 triệu đồng/sào/vụ (1 sào Trung Bộ = 500m2). Trồng nưa không tốn tiền mua phân hóa học như nhiều loại rau khác, chỉ cần dùng phân chuồng, phân xanh bón khi bắt đầu trồng. Nưa rất dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh phá hoại, chúng được xem là rau sạch do không phun thuốc trừ sâu. Từ hiệu quả đem lại, diện tích nưa tăng nhanh trên toàn xã. “Nhà tui trồng 2 sào, mỗi vụ hơn 4 tháng, thu nhập gần 10 triệu đồng. Trồng nưa dễ, không tốn nhiều công, chi phí thấp”, ông Hồ Văn Mai tâm sự.

Chuột nưa thuộc họ Cây môn (khoai nước, khoai sọ và cây bạc hà nước - dọc mùng), lá nhiều khuyết chẻ như lá đu đủ, phần thân ăn được và rất ngon. Cây nưa ưa đất ruộng ẩm ướt nên thường được trồng vào cuối tháng 4 và thu hoạch gần cuối tháng 9 âm lịch.

Vào thời điểm hiện nay, chột nưa có giá 5.000 đồng/kg, được thương lái mua tại ruộng. Vừa đắp đất cho ruộng nưa của mình, anh Hồ Cư vừa nói: “Nhà tui trồng hai sào nhưng cả vụ chỉ việc mần cỏ, đắp đất cho gốc một lần. Tui không bán cho lái buôn mà đưa về muối dưa rồi bán sỉ cho những tiểu thương ở chợ, do đó, lợi nhuận cao hơn nhiều. Trồng từng ni nưa nhưng nuôi đủ cả nhà trong mùa mưa lũ”.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ cho biết: “Để cây nưa đem lại giá trị kinh tế hơn nữa, chúng tôi sẽ cố gắng tăng thêm diện tích vào các vụ tới, đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho bà con. Bên cạnh đó, cũng phải có quy hoạch về diện tích, tránh tình trạng trồng nhiều rồi không biết bán cho ai”.

Hy vọng rằng với những quyết sách trên, chột nưa sẽ sớm trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương.