Huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hiện có 8.495 hộ theo đạo Công giáo với 49.877 khẩu sinh sống ở 16 xứ, 54 họ đạo... đa phần giáo dân trong huyện đều sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, nhờ chính sách đổi mới công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước cùng với sự quan tâm của Mặt trận tổ quốc các cấp, Ban đoàn kết Công giáo huyện Nghi Lộc đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân phát huy tinh thần kính chúa, yêu nước "Sống tốt đời, đẹp đạo". Phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo được Ban đoàn kết công giáo huyện hướng dẫn và vận động mọi người chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 30 đến 70 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Điển hình như mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn, ở Xã Đoài (xã Nghi Diên); mô hình trồng cây vườn đồi kết hợp chăn nuôi của hộ ông Trần Văn Vinh, ông Võ Tuân ở xứ Xuân Mỹ (xã Nghi Đồng); mô hình sản xuất mây tre đan xuất khẩu của anh Lê Văn Triều, Hồ Văn Tý ở xứ Làng Ênh (xã Nghi Phong)… đến nay tỷ lệ hộ khá, giàu trong bà con công giáo chiếm trên 40%, hộ nghèo giảm xuống 15% (theo tiêu chí mới), không có hộ đói.
Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác từ thiện luôn được Ban đoàn kết Công giáo huyện quan tâm, coi đó là nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với giáo lý và tinh thần bác ái của đức Chúa Ky Tô. Tính đến cuối tháng 10/2007, đồng bào Công giáo Nghi Lộc đã ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì người nghèo", quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Theo đó, bà con giáo dân đã giúp nhau xoá được 179 nhà dột nát tạm bợ, tu sửa 93 nhà hư hỏng, xuống cấp; hỗ trợ cho hàng trăm hộ nghèo mua giống, vật tư sản xuất. Điển hình như chị Lê Thị Đức Hạnh cùng với chị em nữ tu trong Dòng Mến Thánh giá Xã Đoài (Nghi Diên) đã giúp đỡ hàng trăm lượt người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 220 triệu đồng; Cha Nguyễn Đăng Điền, Quản hạt Nhân Hoà (xã Nghi Thuận) đã thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tàn tật 19/3 đã cưu mang, giúp đỡ 21 cháu khuyết tật và hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho giáo dân nghèo trong và ngoài huyện. Anh Nguyễn Công Hùng, ở Xã Đoài (Nghi Diên) mặc dù bị tật nguyền nhưng với tinh thần ham học và giàu tính sáng tạo, anh đã thành lập được Trung tâm dạy tin học và đào tạo cho hàng trăm em có kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin… Phong trào xây dựng đời sống văn hoá cũng được phát triển mạnh, rộng khắp, toàn huyện hiện có 15 xóm giáo được công nhận đơn vị văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt gần 90%; phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào có đạo ngày càng phát triển mạnh, rộng khắp ở tất các khu dân cư; 100% các em trong độ tuổi đều được đến trường. Công tác dân số gia đình và trẻ em được quan tâm đúng mức, các xứ, họ đạo ký cam kết không sinh con thứ 3, bởi vậy tỷ lệ dân số năm sau giảm hơn năm trước…
Từ chỗ khó khăn, nghèo nàn, nay bà con ở các xứ, họ đạo ở Nghi Lộc đã khoác lên mình một màu xanh ấm no. Cuộc sống mới, sức sống mới đang vươn rộng, một ngày không xa đồng bào giáo dân ở 16 xứ, 54 họ đạo sẽ trở thành một miền quê giàu đẹp.