00:00 Số lượt truy cập: 2676414

Nghệ An: đưa vùng Phủ Quỳ thành 

Được đăng : 03/11/2016
Tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa vùng Phủ Quỳ (gồm 5 huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong) thành vùng trọng điểm phát triển cây trồng của tỉnh, trở thành nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu của tỉnh và cũng là nơi đi đầu trong việc xây dựng các mô hình điểm về phát triển các loại cây trồng để từ đó nhân rộng đến các địa phương khác.


Giải pháp chính được tỉnh đưa ra là quy hoạch lại việc phát triển các loại cây trồng; thay đổi tập quán sản xuất cho nông dân; hình thành cho được các vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Chỉ tiêu một số cây trồng chính của vùng Phủ Quỳ sẽ được phát triển đến năm 2010 là cao su 7.000 ha, cà phê 3.000 ha, cam 5.700 ha, chè 430 ha. Tỉnh cũng cơ cấu lại việc phát triển các loại cây trồng, không phát triển tràn lan như trước. Trong đó, cây cà phê yêu cầu đất tốt, kém chịu hạn sẽ được bố trí trồng trên đất bazan và có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi; cây cam yêu cầu đầu tư thâm canh cao, đúng kỹ thuật, cũng là loại cây nhiều sâu bệnh phá hoại sẽ được phát triển chủ yếu tại huyện Nghĩa Đàn và phía đông huyện Tân Kỳ. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động tại vùng Phủ Quỳ, tỉnh Nghệ An đang kêu gọi đầu tư vào các dự án: sản xuất và chế biến cà phê xuất khẩu; trồng và chăm sóc cam sạch bệnh; trồng tre trúc lấy măng; trồng và chế biến chuối.


Phủ Quỳ là vùng có nhiều lợi thế cả về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, nhưng đến nay việc phát triển các loại cây trồng, nhất là với cây công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng. Điều tra của Đoàn quy hoạch nông nghiệp thuỷ lợi Nghệ An cho thấy, trong vùng chỉ có 37% diện tích đất được sử dụng đúng mục đích cho phát triển cây trồng, số còn lại đang được phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch và thiếu vốn đầu tư nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Đơn cử như cây cam, do được giá, lại có điều kiện tự nhiên thích hợp nên nhiều hộ muốn phát triển loại cây này, nhưng do gặp khó khăn về vốn, giống, khoa học kỹ thuật nên diện tích cam phát triển chưa tương xứng. Với cây cao su là thế mạnh của vùng Phủ Quỳ từ trước đến nay chủ yếu được trồng bằng nguồn vốn 327, nhưng đến nay do hạn chế về vốn đầu tư, trong khi khả năng thu hút vốn từ bên ngoài chưa có nên diện tích cao su trồng mới hàng năm rất ít.