00:00 Số lượt truy cập: 3234585

Nghề cá Quảng Ninh: Cơ hội phát triển ngày càng rộng mở 

Được đăng : 03/11/2016

Với trên 30.000 hộ ngư dân hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản, nghề cá tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua có bước phát triển mạnh mẽ cả khai thác và nuôi trồng. Riêng nuôi trồng đã phát triển trên cả 3 loại hình mặt nước: Nuôi biển, nuôi nước lợ và nuôi nước ngọt, tập trung vào các loài có giá trị, năng suất cao.


Mùa vụ nuôi đã được chuyển dịch tích cực từ chỗ trước đây trên toàn tỉnh chỉ nuôi tôm được 1 vụ xuân hè thì nay nuôi thêm được vụ hè thu, đây lại là vụ nuôi cho giá trị rất cao vì bán được giá. Hơn 1.000 ha vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản ở các huyện: Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng, Hải Hà, Đầm Hà đã được các hộ dân mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng ao, đầm nuôi theo quy mô công nghiệp. Tính đến nay đã hoàn thành quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi 402ha sang nuôi trồng thuỷ sản ở Đông Triều, vùng chuyển đổi 230ha ở Uông Bí, 600ha ở Yên Hưng. Với chiều dài bờ biển hơn 250km, nhiều vũng, vịnh kín gió thuận lợi cho nuôi thuỷ sản biển, tận dụng thế mạnh này đến nay toàn tỉnh đã có 5.300 ô lồng nuôi cá trên biển (tăng 2.405 ô lồng so với năm 2001). Đối tượng nuôi là các loài thuộc họ cá song, cá hồng, cá tráp, cá giò, cá đù đỏ. Một số dự án nuôi cá biển trong ao của các doanh nghiệp, hộ ngư dân bước đầu đã có kết quả. Tận dụng các điều kiện tự nhiên ưu đãi, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh nuôi cá biển, trên cơ sở đa dạng hoá đối tượng và loại hình nuôi, từng bước hình thành vùng nuôi tập trung, đồng thời chuyển đổi một bộ phận ngư dân khai thác thuỷ sản trên biển sang nuôi cá lồng bè. Một bước đột phá lớn trong những năm gần đây là Quảng Ninh đã chủ động sản xuất được tôm giống, điều mà trước đây nhiều người cho rằng miền Bắc không thể sản xuất và nuôi được tôm sú. Toàn tỉnh hiện đã có 10 trại sản xuất tôm giống với công suất thiết kế 857 triệu con giống P15/năm, một trại sản xuất giống cá nước ngọt công suất trên 100 triệu con/năm, 2 trại sản xuất giống cá biển, đang xây dựng trại sản xuất giống ghẹ xanh và nhuyễn thể để phục vụ nhu cầu phát triển nuôi của nhân dân trong tỉnh.

Để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững trên cả 3 loại hình mặt nước theo hướng đa dạng loài nuôi, hình thức nuôi cùng với đầu tư đồng bộ sản xuất cung ứng con giống, thức ăn, các cơ sở dịch vụ hậu cần khác, ngành NN&PTNT đang cùng với bà con ngư dân tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững. Đã hoàn thành quy hoạch rõ từng vùng nuôi, trong đó: Vùng nuôi cá nước ngọt ở Đông Triều, Uông Bí, Yên Hưng. Ngoài việc tận dụng các diện tích ao, hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Tại các vùng nuôi tập trung phát triển nuôi theo công nghệ thâm canh và bán thâm canh, tạo nguồn hàng tập trung cho chế biến xuất khẩu. Vùng nuôi thuỷ sản nước lợ tập trung chủ yếu ở Yên Hưng, Hoành Bồ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Để hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, nâng cao tính bền vững đối với sản xuất, ngành thuỷ sản xác định sản lượng nuôi thuỷ sản nước lợ tăng ổn định thông qua việc mở rộng diện tích và chuyển dần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. 50% diện tích lấy công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh làm mục tiêu tăng sản lượng, 50% diện tích phát triển nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến nhằm đảm bảo tính bền vững của môi trường sinh thái và tạo “sản phẩm sạch” đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Nuôi thuỷ sản biển và nuôi nhuyễn thể được xác định là phát triển kết hợp với du lịch, lấy công nghệ nuôi bán thâm canh làm chủ đạo, phát huy lợi thế về thị trường, tận dụng diện tích mặt nước có khả năng phát triển nuôi, tránh tình trạng “quá tải” của vùng nước.

Đồng chí Cao Tuy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để đảm bảo cho sự phát triển ổn định ngành đã xác định rõ, riêng về thị trường tiêu thụ sản phẩm phải tích cực mở rộng, lấy thị trường làm cơ sở để phát triển sản xuất, gắn với nâng cao chất lượng, hạ giá thành và đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Về giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn lợi thuỷ sản, vệ sinh thực phẩm sẽ được đặc biệt chú trọng, trong thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường kiểm soát các diễn biến môi trường, dư lượng kháng sinh, độc tố trong các vùng nuôi; xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường thường niên tại các vùng nuôi thuỷ sản tập trung; hạn chế tối đa việc dùng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản; khoanh vùng các bãi đẻ tự nhiên của các đối tượng nuôi biển, thả bổ sung giống ra các vùng nước tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất của các trại giống hiện có, ngành sẽ đầu tư xây dựng thêm các trại sản xuất giống thuỷ sản, du nhập khảo nghiệm những giống loài có giá trị cao; tăng cường hơn nữa đối với công tác khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người nuôi tiến tới từng bước xã hội hoá công tác khuyến ngư...

Không chỉ tập trung cho phát triển nghề nuôi mà khai thác cũng đã được sự quan tâm của các cấp, ngành; lực lượng khai thác ngày càng được củng cố để vươn khơi, bám biển dài ngày hơn. Đặc biệt trong năm 2008 trước sự biến động về giá xăng dầu, vật tư ngư lưới cụ tăng cao, thực hiện Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện công tác hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân. Tính đến ngày 19-3-2009, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 100 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ này của nhà nước nên mặc dù năm 2008 các ngành sản xuất khác đều gặp rất nhiều khó khăn nhưng khai thác thuỷ sản vẫn giữ được nhịp độ phát triển tương đối ổn định, sản lượng khai thác tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2007. Bà con ngư dân sau khi nhận tiền hỗ trợ đã mua dầu, ngư cụ, đầu tư sửa chữa nâng cấp, đóng mới phương tiện phục vụ cho sản xuất, yên tâm bám biển, tham gia giữ gìn trật tự trên biển, đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng khai thác của tỉnh được củng cố và tăng cường cả về số lượng và chất lượng, với 650 ngư dân được tham gia các lớp đào tạo, được cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng. Với sự đầu tư của Nhà nước, vừa qua Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đã được khởi công xây dựng tại huyện Cô Tô, đây là yếu tố rất thuận lợi, bước đệm cho khai thác thuỷ sản rộng đường tiến ra biển lớn.