00:00 Số lượt truy cập: 3230003

Nghề đan mây tre ở Đan Giáp 

Được đăng : 03/11/2016
Nằm cách Hải Dương 30 cây số, làng Đan Giáp xã Thanh Giang ( Thanh Miện) có nghề đan lát từ rất lâu đời. Trước đây, sản phẩm của làng khá đa dạng, chủ yếu phục vụ cho cuộc sống và sản xuất nông nghiệp như: thúng, rổ, rá, sảo, cả cót đựng thóc...

Trải qua một thời gian dài phát triển, nghề đan ở Đan Giáp đã có lúc lao đao. Ẩy là vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi các sản phẩm cùng loại bằng nhựa, bằng sắt được sản xuất và lưu thông khá phổ biến trên thị trường. Đã có người không còn thiết tha với nghề mà chuyển sang làm nghề khác. Vào năm 1995, khi tiếp cận được thị trường vùng than Quảng Ninh thì nghề đan làng Đan Giáp được khôi phục. Tuy nhiên, các sản phẩm bị thu hẹp lại, vì nơi này chỉ mua rổ dày để đựng than, nhưng với số lượng lớn. Hiện nay, 100% các gia đình ở Đan Giáp đều làm nghề mây tre đan. Trung bình mỗi ngày làng tiêu thụ đến 400 cây tre. Làm nghề đan khá đơn giản, không cần vốn lớn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần người có đức tính cần cù chăm chỉ, kiên trì. Muốn có sản phẩm đẹp thì tất cả các dụng cụ nguyên liệu... phải đạt đúng yêu cầu riêng: dao, mác phải chọn thép tốt, rèn kỹ pha nan mới sắc, ngọt. Dao rựa, dao chặt, dao dọng... mỗi loại phải có kích thước phù hợp để đảm nhận từng chức năng riêng. Tre phải thẳng, thịt đặc, cây tre phải được từ 1 năm tuổi trở lên và có màu hơi vàng. Không được dùng cây bị cụt ngọn, tre mắt kiến. Nan pha lóng, vành tròn, nức kín, tuỳ từng loại mà đan. Ví như đan thúng là loại sản phẩm có lóng đan phức tạp hơn cả nhưng cách làm chỉ gói gọn trong câu 'cất tứ, cất nhì thù thì đè ba', vừa đặt nan vừa nhẩm là có thể làm ra sản phẩm. Các sản phẩm của làng chủ yếu phục vụ cho việc đựng than nên không cần đẹp nhưng cần bền bởi vậy người làm không cần phải quá cầu kỳ trong việc vót nan mà chỉ cần chú ýđến đan cho đều tay, nức cho chặt. Cũng vì thế năng suất lao động khá cao. Thu nhập trung bình của một lao động lành nghề khoảng 15 nghìn đồng/ngày.
Người làng Đan Giáp chỉ cấy 2 vụ lúa/năm mà không trồng màu, vì mọi người cho rằng trồng màu vất vả mà thu nhập lại không bằng làm nghề đan. Nhiều nhà nghề đan mang lại thu nhập chính. Nhờ nghề đan mà đời sống của người Đan Giáp được nâng lên đáng kể: 100% nhà mái ngói, mái bằng; 100% số gia đình có điện sử dụng, 96% số gia đình có phương tiện nghe nhìn, và nhiều gia đình có phương tiện đi lại hiện đại. Nhưng người làm nghề ở Đan Giáp vẫn còn nhiều băn khoăn vì chưa làm được hàng xuất khẩu để các sản phẩm của làng có thể vươn đến thị trường thế giới; các gia đình sản xuất số lượng lớn cần được sự hỗ trợ, đầu tư ...