Làm nước mắm được là nghề truyền thống của cư dân vùng biển, đầm phá ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bình quân, mỗi xã ở vùng biển, đầm phá của tỉnh có khoảng 10 cơ sở chế biến mắm. Trong khi nhiều nghề truyền thống đang gặp khó khăn thì nghề làm nước mắm ở Thừa Thiên - Huế đang ngày càng tạo dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước.
Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang là địa phương có thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, phục vụ cho nghề làm nước mắm truyền thống. Toàn xã có 80 cơ sở làm nước mắm; trong đó, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn đang hướng đến thị trường ngoài nước như nước mắm Bà Gái, Như Ý, Bà Sen. Mỗi năm, cả xã Phú Thuận sản xuất khoảng 140 nghìn lít nước mắm các loại.
Thành Vân là một trong những cơ sở sản xuất nước mắm nổi tiếng nhất của xã Phú Thuận. Với phương châm "lấy chất lượng làm chữ tín", chỉ trong thời gian ngắn, nước mắm Thành Vân đã mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở cho biết: "Cơ sở tập trung sản xuất 2 loại nước mắm chính là từ cá cơm, cá nục và mắm ruốc. Khi mới hoạt động, cơ sở chỉ sản xuất khoảng 1000 lít mắm do thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Cơ sở đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong những lần tham gia hội chợ thương mại. Nhờ đó, nước mắm Thành Vân mở rộng được thị trường, thậm chí đã xuất khẩu sang Lào khoảng 1.000lít/năm. Cơ sở cũng đang đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trong khu vực". Toàn xã Phú Thuận có 80 cơ sở làm nước mắm. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn cũng đang hướng đến thị trường ngoài nước như nước mắm Bà Gái, Như Ý, Bà Sen… Mỗi năm, xã Phú Thuận sản xuất khoảng 140 nghìn lít nước mắm các loại.
Điểm chung của các cơ sở sản xuất nước mắm của tỉnh Thừa Thiên - Huế là đã xây dựng được thương hiệu dựa trên chất lượng. Mặt khác, chủ các cơ sở cũng tìm cách xuất khẩu nước mắm sau khi sản phẩm đã có "chỗ đứng" ở thị trường trong nước. Không những thế, mỗi cơ sở sản xuất nước mắm lại tự tìm cho mình một thị trường xuất khẩu riêng. Điển hình là cơ sở nước mắm Đảnh Vân ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền. Cơ sở này đã hướng đến thị trường "khó tính" như Mỹ, Pháp. Ban đầu, nước mắm Đảnh Vân chỉ sản xuất 2.000 lít/năm, tiêu thụ ở địa phương. Sau khi mở rộng thị trường tiêu thụ, cơ sở sản xuất nước mắm Đảnh Vân đã nâng công suất lên 48.000 lít/năm. Trong đó, năm 2011 cơ sở Đảnh Vân đã xuất khẩu sang Mỹ được 4.000 lít nước mắm. Hiện tại, cơ sở tiếp tục nâng sản lượng xuất khẩu nước mắm sang thị trường Mỹ; đồng thời, tìm kiếm các thị trường mới như Pháp, Anh... Ông Phan Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, cho biết: Nước mắm Đảnh Vân tìm được thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Pháp... đã tạo điều kiện thuận lợi cho 80 cơ sở sản xuất nước mắm khác ở địa phương mở rộng thị trường, mỗi năm sản xuất 180 nghìn/lít; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giải quyết việc, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Riêng cơ sở Đảnh Vân đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 20 - 25 lao động với mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, cơ sở Đảnh Vân cũng thu mua 120 tấn thủy, hải sản cho ngư dân địa phương và vùng xung quanh.
Có thể nói, nước mắm là "đặc sản" của nhiều địa phương ở vùng ven biển, đầm phá ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Huyện Phú Vang nổi tiếng với nước mắm Bà Sen, Thanh Vân, Bà Gái. Huyện Quảng Điền có nước mắm Tam Giang; Bà Đệ; Thanh Chương. Huyện Phong Điền có nước mắm Đảnh Vân, Phong Hải, Điền Hương. Huyện Phú Lộc có mắm sò Lăng Cô; mắm ruốc Vinh Mỹ… Theo các chủ cơ sở sản xuất, nghề truyền thống làm nước mắm ngày càng "khởi sắc" là do được hỗ trợ một phần nguồn vốn vay mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với bí quyết làm mắm gia truyền áp dụng kỹ thuật mới và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chủ các cơ sở cũng đã chú trọng đến việc quảng bá, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn tìm thị trường để xuất khẩu, tạo thêm hướng đi mới để phát triển nghề.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, tỉnh có khoảng hơn 400 cơ sở chế biến nước mắm; trong đó, đã có 20 cơ sở đăng ký nhãn hiệu. Mỗi cơ sở sản xuất nước mắm bình quân giải quyết việc làm cho từ 4 đến 5 lao động. Như vậy, nghề làm nước mắm đã giải quyết việc làm và mang lại nguồn thu nhập cho hơn 2000 lao động nông thôn vùng ven biển, đầm phá. Bên cạnh đó, nghề làm nước mắm còn góp phần làm tăng giá trị cho nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang quy hoạch, xây dựng các làng nghề làm nước mắm; qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu chung cho nghề làm nước mắm của tỉnh. Song, để nghề làm nước mắm ở Thừa Thiên - Huế phát triển bền vững thì vẫn rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất và quảng bá sản phẩm./.