Những năm gần đây, cùng với phát triển các ngành, nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế biến hàng nan, đồ gỗ dân dụng, sơ chế các sản phẩm lâm sản tham gia xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng... thị trấn huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã phát triển thêm nghề nuôi nhím, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Văn Cương, một hộ nuôi nhím ở khu phố 1, thị trấn Quan Hóa, cho biết: Nghề nuôi nhím ở thị trấn Quan Hóa được du nhập từ một số địa phương lân cận về năm 2007. Ban đầu chỉ có 2 đến 3 gia đình nuôi thử, mỗi gia đình nuôi từ 3 đến 4 đôi, về sau thấy dễ nuôi, thức ăn sẵn có, hiệu quả cao, thế là từ nhà này phổ biến sang nhà khác, qua hơn 2 năm đến nay thị trấn Quan Hóa đã có 15 gia đình nuôi nhím với gần 150 con nhím bố mẹ.
Thực tế cho thấy, nếu một gia đình muốn phát triển nghề nuôi nhím, ban đầu chỉ cần đầu tư nuôi từ 4 đến 5 đôi nhím độ 2 đến 3 tháng tuổi, vốn mua giống khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại khoảng 100 m2, phân chia thành nhiều ô, chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng là có thể phát triển đàn nhím đến vài chục con. Vì từ khi sinh ra, sau 1 năm nhím cái có thể phối giống, mỗi năm nhím sinh 2 lứa, mỗi lứa trung bình 2 con, nuôi từ 2,5 đến 3 tháng tuổi, nhím con có thể đạt đến 3kg, giá bán giống hiện nay từ 10 đến 12 triệu đồng/đôi.
Một điều khá thuận lợi cho các gia đình nuôi nhím là nhím thuộc loại động vật gặm nhấm, ăn tạp các loại rau, củ, quả, thân cây... Ông Cương còn cho biết thêm: Qua hơn 2 năm nuôi nhím chưa có gia đình nào ở thị trấn phát hiện nhím bị một loại bệnh tật nào, nhưng trong quá trình nuôi phải quan tâm đến vệ sinh chuồng trại, một ngày vệ sinh ít nhất một lần vì nhím rất cần nơi ở sạch, thêm vào đó do ăn nhiều nên cần phải dọn phân và các thức ăn thừa, tránh để lâu ảnh hưởng đến sức khỏe của nhím. Đặc biệt, khi đã ghép nhím thành đôi từ ban đầu, trong quá trình nuôi không nên tách chúng ra để tránh tình trạng cắn nhau gây thương tích...
Chúng tôi đã đến thăm trang trại của ông Trịnh Văn Sinh, ở thị trấn Quan Hóa. Với 3 ha rừng chủ yếu là cây lâm nghiệp và cây ăn quả, gia đình ông nuôi gần 30 con bò, hàng trăm gia cầm và 16 con nhím bố mẹ. Ông Sinh cho biết: Nhím có lẽ là động vật dễ nuôi nhất, chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Sau 1 năm, một đôi nhím bố mẹ đẻ 2 lứa có thể cho thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng tiền bán nhím giống, nếu nuôi nhím thịt (nhím đực) một năm cũng có thể đạt từ 10 đến 12kg, giá bán hiện nay từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/kg. Thịt nhím thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, lại giàu chất dinh dưỡng, là món đặc sản được nhiều người ưa thích. Ngoài ra, các sản phẩm khác của nhím như dạ dày, lông nhím... còn là dược liệu quý hiếm nhiều người đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là nghề nuôi nhím mới phát triển ở một số địa phương, số lượng chưa nhiều, việc mua, bán, giá cả đang còn hấp dẫn đối với người nuôi. Nếu phát triển với quy mô lớn, nhiều gia đình cùng nuôi thì “đầu ra” cho sản phẩm cũng cần phải tính toán. Thêm vào đó, nghề chăn nuôi nhím hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, nếu nuôi với số lượng nhiều cần phải tính đến nguồn thức ăn và công tác phòng trừ dịch bệnh, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường.