Ông Khôi cho biết, năm 2006 có người nuôi ong từ địa phương khác đến xin đặt ong lấy mật trong vườn cây ăn quả rộng 1,5 ha của gia đình, ban đầu ông cũng chỉ lân la hỏi chuyện cho vui, sau bén nghề. Năm đầu ông nuôi 3 tổ, năm thứ 2 gây được 7 tổ và năm nay đã có 12 tổ; bình quân mỗi tổ cho 20 lít mật/năm, riêng từ đầu năm 2009 đến nay thu được hơn 100 lít mật nguyên chất, cũng chỉ đủ phục vụ bà con nội vùng; với giá 30.000 đồng/lít, mỗi năm gia đình có thêm nguồn thu khoảng 10 triệu đồng. Nói về kinh nghiệm nuôi và phát triển đàn, ông Khôi chia sẻ: đây là nghề bỏ công làm lời, không khó nuôi nhưng để trở thành tay nuôi thuần thục, có kinh nghiệm trong nhân đàn và lấy mật chất lượng tốt, thì không phải ai cũng làm được. Để kịp thời vụ đi đánh mật, việc tăng cường bầy đàn là điều quan trọng. Bước vào tháng Mười (ÂL) khi đã bớt mưa, có gió chướng lất phất là thời điểm đàn ong bắt đầu mạnh lên, tiến hành "xẻ đàn" đồng loạt. Lúc này người nuôi dùng phương pháp nhân tạo để tạo đế mũ tướng, lấy cây di ấu trùng 1 ngày tuổi vào đế mũ tướng rồi di dời vào thùng ong tốt, đông quân và bắt con ong chúa ra, thùng bị mất chúa ong sẽ tạo mũ tướng ngay. Mũ tướng to, khi nở ra con chúa sẽ lớn, khoẻ và đẻ sây. Trong quá trình nuôi, ong thường mắc bệnh bại liệt, ỉa chảy và chấy (rận) bám trên cánh, nếu không kịp thời chữa trị thì dễ bị lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn. Để hiệu quả, ngoài việc vận dụng các kỹ thuật cơ bản, người nuôi phải nắm vững các bí quyết như: phải có ong chúa tốt, có khả năng duy trì đàn lớn; phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện của bệnh; thường xuyên kiểm tra để loại bỏ bánh tổ cũ, xây bánh tổ mới và luôn bảo đảm thức ăn đầy đủ, vệ sinh phòng bệnh tốt vì ong sống sạch sẽ, ưa thoáng mát...
Đến nay ở xã Nam Hưng đã có hàng trăm hộ nuôi ong, trong đó có hơn 50 hộ là hội viên hội Cựu chiến binh nuôi hơn 200 đàn. Điển hình như CCB Nguyễn Văn Sinh, thường xuyên nuôi từ 20-25 đàn và là nơi cung cấp giống cho bà con trong xã, huyện; ngoài thu nhập kinh tế vườn rừng, nuôi ong mỗi năm cũng cho khoản thu ổn định từ 8-10 triệu đồng. Thấy được nuôi ong là một nghề đầu tư ít vốn, không đòi hỏi đất đai, diện tích để đặt tổ (có thể tận dụng một góc hè, sân hay vườn, bờ dậu, mái hiên); ngoài sản phẩm mật ong, sáp ong còn có tác dụng thụ phấn tạo năng suất cho cây trồng... Hội CCB Nam Đàn đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong toàn huyện, đặc biệt là đối với 15 xã vùng đồi núi. Hội tổ chức cho hội viên tham gia câu lạc bộ nuôi ong, các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao KHKT, cùng giúp nhau nhân đàn giống... Ông Trần Minh Dung, chủ tịch hội CCB Nam Đàn cho biết: phong trào nuôi ong lấy mật ở xã Nam Hưng đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế- xoá nghèo bền vững của CCB.