00:00 Số lượt truy cập: 3202193

Nghề rập ốc hương 

Được đăng : 03/11/2016

Làng biển Hồ Lân, Tân Thắng (Bình Thuận) có gần 150 ghe thuyền máy nhỏ làm các nghề lưới ghẹ, câu mực, chấu ốc, rập tôm… Trong đó có 2 thuyền máy công suất lớn trên 45 CV làm nghề chuyên biệt quanh năm: nghề rập ốc hương...


Mới tuần cuối của tháng giêng, vậy mà từ tờ mờ sáng, bấc đã thổi rát cả người. Trong khi hầu hết ghe thuyền máy nhỏ của vạn chài Hồ Lân vẫn còn neo trong cửa, thì xa xa ngòai khơi có ba thuyền máy lớn đang dập dềnh theo những vàng rập ốc hương.

Theo thuyền nhỏ vượt sóng, chúng tôi bắt kịp một trong ba thuyền. Vừa đến nơi đã nghe trên sàn thuyền chênh chao rộn những tiếng reo vui của bạn nghề ồ lên theo từng chiếc rập mang những chú ốc hương lấp lánh còn tươi rói đang được kéo lên từ lòng biển.

Còn nhớ từ nhiều năm trước, trữ lượng ốc hương trên vùng biển này khá lớn, vốn là nguồn hải sản xuất khẩu chính. Nhưng do bị khai thác ồ ạt, cùng với việc gia tăng hoạt động giã cào bờ nên vùng sinh trưởng của nhiều loại sò ốc bị chà nát; nguồn lợi ốc hương cũng nằm trong số phận đó. Nhiều ngư dân cho biết; ở những vùng khai thác có chọn lọc và được bảo vệ tốt thì qua hàng chục năm sản lượng vẫn không giảm. Ngược lại nếu khai thác ồ ạt và tầng đáy bị cào nát thì ốc mất môi trường sinh sản, số sống sót trôi dạt về vùng khác. Thực trạng này đã được chứng minh cụ thể ngay trên ngư trường La Gi - Hàm Tân; Vào những năm chín mươi, sản lượng ốc hương vào bến bình quân vài tấn mỗi ngày, nay một thuyền chuyên nghề ốc cũng chỉ mong kiếm lấy vài chục ký là mừng lắm rồi….

Nghề rập ốc hương theo phương pháp mới hiện nay phải có đầu tư ban đầu khá lớn, ngoài thuyền máy ra chủ phải sắm giàn rập có gần một ngàn chiếc lồng bẫy, mỗi cái trên một trăm ngàn đồng, vị chi đã trên trăm triệu, rồi còn phải có bộ trục quay tời, giàn dây chảo…và rất nhiều chi phí cho các phụ liệu thường xuyên trong nghề. Bên cạnh đó, kỹ thuật và phương pháp khai thác của nghề rập ốc hương hiện nay được cải tiến hơn . Những chiếc lồng bẫy thay thế cái bẫy dĩa trước đây, Lồng bẫy làm bằng khung sắt phi 8, hình khối vây lước, có 3 cửa “vào dễ, khó ra”. Mồi đặt trong hộp nhựa kín chỉ chừa lổ nhỏ cho tỏa mùi dụ ốc. Những chiếc lồng bẫy này có lợi thế hơn bẫy đĩa rất nhiều vì vừa kéo dài thời gian chờ ốc tìm mồi, vừa không để ốc thoát ra khi đã no mồi, thêm nữa là ngoài các chàng ốc hương quý tộc còn có cả ghẹ, ốc giác, tôm cá cũng sa bẫy và tăng thu nhập cho bạn nghề.

Thực tế với nghề rập ốc hương, chúng tôi mới thực sự giải tỏa được ấn tượng không tốt về tập quán tìm mồi của loài ốc thơm này. Trước nay thường nghe nói ốc hương chỉ toàn tìm mồi và ăn các loại động vật đã ủ cho ươn hôi, sình thối. Không phải vậy đâu! Bác thợ chuyên lo mồi trên thuyền này cho biết: mồi dụ ốc hiện nay phổ biến nhất là cá tươi, cua biển… Không chỉ không ăn mồi thối, mà mồi ươn ốc cũng không tìm đến, nên sau mỗi lèo kéo rập, những lồng còn nguyên mồi cũ cũng bỏ thay mồi mới.

So với nhiều nghề trên biển thì nghề rập ốc hương không quá vất vả, vì đơn giản phần việc ai nấy làm; Nhưng lại có nhiều nổi cực nhọc khác. Ngư dân làm nghề ốc hương không đi xa bờ quá 5,6 dặm mà thời gian về nhà rất ít, thời gian thức với công việc nhiều hơn, chịu ướt lạnh hầu như cả ngày. Bởi lẻ, như trên thuyền này có mười dây rập, mỗi dây gần một trăm chiếc, hết vòng kéo dây này lên, thu ốc thay mồi xong rồi lại thả xuống biển, hết dây này tiếp đến dây khác, tiếp nối, xoay vòng hết sáng rồi đến trưa, qua trưa rồi đến tối; cứ 6 tiếng là một chu kỳ mới bắt đầu. Chỉ thay nhau nghỉ vài tiếng rồi lại vào công việc. Dăm ba ngày thuyền nhỏ của người nhà ra chuyển hàng tươi vào bờ tiêu thụ, còn bạn nghề vẫn bám biển, bám thuyền.

Trong mấy tháng gần đây, khi hoạt động giã cào bờ tạm yên trên vùng biển Hà Lãng, thì nhiều nghề bờ cũng tạm có ăn cho bà con ngư dân nghèo. Riêng nghề ốc hương cũng khá hơn vì không sợ ghe giã cào mất lưới rập, họ bám biển nhiều hơn và giá bán loài ốc thơm ngon này hấp dẫn, thu nhập của bạn nghề đã đáng mừng hơn.

Nghề rập ốc cực nhọc ngày đêm, nhưng bạn nghề vẫn yêu đời hăng say bám biển; có lẽ đó là một trong những nét đẹp lao động thuần chất đáng yêu nhất ở vùng biển nghèo Hàm Tân.