00:00 Số lượt truy cập: 2672686

Người Mông Thải Giàng Phố trồng rừng thay thế nương rẫy 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện dự án trồng rừng thay thế nương rẫy, người Mông ở xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà - Lào Cai) đã tích cực tham gia. Nhà nước cấp giống và hỗ trợ gạo cho dân trồng rừng trong vòng 7 năm, bà con được hưởng lợi 100% từ diện tích rừng trồng. Dự án này đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.


Trồng rừng thay thế nương rẫy tại xã Thải Giàng Phố.

Bước đầu thực hiện dự án, Thải Giàng Phố gặp những khó khăn rất cơ bản. Người dân vốn quen làm rẫy, chưa mặn mà với việc trồng rừng, trong khi những thôn, bản có làm nương rẫy đều nằm ở vùng sâu, vùng xa. Ông Giàng Seo Mùa, Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết, ngay từ khi triển khai dự án, xã đã tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý dự án 661 và các ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Anh Ly Xuân Trư ở thôn Gì Thàng phấn khởi cho biết: "Nhà mình có gần 1ha nương trồng lúa, ngô không có hiệu quả vì thiếu nước, thấy cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã đến nhà bảo cho cây giống, hỗ trợ gạo để trồng rừng và mai sau được thu hoạch, mình bàn với vợ con làm theo. Gia đình mình và bà con được cán bộ hướng dẫn và cùng trồng rừng. Đến giờ mình đã nhận đủ số gạo hỗ trợ để yên tâm sản xuất".

Tham gia dự án trồng rừng thay thế nương rẫy ở xã Thải Giàng Phố có 26 hộ dân ở 3 thôn Dì Thàng, Ngải Phóng Chồ và Ngài Ma. Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà đã tiến hành phát xong số gạo hỗ trợ cho các hộ dân. Nhờ những biện pháp phù hợp cũng như sự nỗ lực của địa phương, Thải Giàng Phố đã trồng mới 16,47ha rừng thay thế nương rẫy, trong đó thôn Ngải Phóng Chồ có 3 hộ trồng mới 1,19ha rừng, thôn Dì Thàng có 10 hộ trồng 4,3ha rừng và thôn Ngài Ma có 13 hộ trồng mới 10,98ha rừng. Qua kết quả kiểm tra, theo dõi đầu tháng 7/2011, tỷ lệ cây sống trên diện tích rừng trồng mới thay thế nương rẫy ở xã Thải Giàng Phố đạt 91%.

Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy ở vùng cao Thải Giàng Phố thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, chính quyền địa phương, góp phần cải thiện tập quán canh tác lạc hậu, ổn định đời sống, giảm đói nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và định hướng sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy bạc màu, kém hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới hạn chế và xóa bỏ tình trạng phá rừng làm nương rẫy, mở ra cơ hội mới để rừng Thải Giàng Phố thêm xanh.