00:00 Số lượt truy cập: 2675891

Người mang giàu có về thôn bản 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là anh Lê Văn Nghĩa (dân tộc Cơ Tu) 20 năm làm trưởng thôn, 26 năm làm Bí thư chi bộ, tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Anh Nghĩa không chỉ là người làm ăn giỏi mà còn đem kiến thức về giúp bà con trong sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, thu lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trong thôn.Thôn Phú Túc có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Trước đây, hầu hết các hộ đều nghèo, do sống du canh, du cư, tập tục sinh hoạt lạc hậu... Khi nhận chức trưởng thôn (năm 1984), anh Nghĩa vận động bà con không sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy; xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay cưới xin; vận động bà con trồng lúa nước, bắp lai, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng; trẻ em đến tuổi đi học đến trường; không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; cùng nhau đoàn kết làm ăn, xây dựng bản làng văn hóa văn minh...

Để bà con tin lời nói và cái bụng của mình, anh Nghĩa gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Với diện tích 0,5 ha vườn, anh trồng bưởi, tiêu, đu đủ, dứa và 100 gốc tre lấy măng, nuôi 10 con heo thịt. Với 20 ha rừng, anh ươm trên 40.000 cây keo lai. Anh Nghĩa cho biết trung bình mỗi năm anh thu khoảng 30 triệu đồng. Nhờ đó mà anh có tiền làm nhà, mua máy, nuôi 4 con ăn học đến nơi đến chốn.

Nghe và làm theo anh Nghĩa, giờ đây, rất nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Văn Cần, Đinh Văn Nhôm... năm nào cũng có khoảng 30 triệu đồng tiền bán gỗ rừng trồng. Từ đó, nạn đốt rừng làm nương rẫy ở Phú Túc xem như chấm dứt.Tuy nhà cửa còn chật chội, nhưng anh Nghĩa vẫn dành hẳn một phòng để đặt “tủ sách cộng đồng” và sắm bàn ghế cho bà con đến xem sách, báo, tivi. “Tôi rất nghiện xem báo, nhất là báo Nhân Dân, Đà Nẵng, Đại Đoàn Kết... và luôn theo dõi đài trung ương và đài truyền thanh Hòa Vang. Có tin, bài nào hay, giúp ích cho bà con làm ăn, tôi đều phổ biến lại cho mọi người” – anh Nghĩa tâm sự.

Để bổ sung kiến thức cho mình, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang tổ chức. Anh cũng đã học xong lớp kỹ thuật viên nông nghiệp – khóa đào tạo 2 năm ( 2001 – 2002) do Trung tâm Khuyến- Nông – lâm – ngư TP Đà Nẵng tổ chức và tốt nghiệp với tấm bằng loại khá .

Thời gian qua, địa bàn thôn Phú Túc chưa có người làm công tác thú y, nên việc phát triển chăn nuôi còn hạn chế. Năm 2005, được sự quan tâm của cơ quan chức năng, sự động viên của già làng, bà con trong thôn, anh Nghĩa theo học 6 tháng lớp kỹ thuật viên – thú y ngoài giờ hành chính. “Mỗi tuần tôi đi học 6 buổi, lớp học cách nhà 20 km. Có hôm trời mưa, xe xẹp lốp, nửa đêm mới về đến nhà” – anh kể. Kiến thức học được đến đâu, anh về giúp lại bà con trong thôn đến đấy, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, tuyên truyền vận động bà con tiêm phòng vắc-xin... Nhờ đó, phong trào chăn nuôi của thôn Phú Túc ngày càng phát triển.Nhiều năm liền, thôn Phú Túc được công nhận là thôn tiên tiến. Chi bộ cho anh Nghĩa làm bí thư luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.