00:00 Số lượt truy cập: 3234317

Người nông dân Khmer thành công nhờ các lớp tập huấn kỹ thuật 

Được đăng : 03/11/2016
Bà con nông dân ở Tô Thuận, xã Núi Tô (Tri Tôn - An Giang) ai cũng hết lời khen ngợi anh Chau Sóc Kha, người Khmer bởi anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và nhanh chóng thoát nghèo.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, anh Kha có những vụ lúa bội thu.

Từ năm 1999 trở về trước, anh Kha chỉ biết làm lúa theo tập quán cũ nên năng suất rất thấp. Với 3 công ruộng (1 công = 1.000m2), anh chỉ thu hoạch được 30 giạ lúa nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, anh Kha phải đi làm mướn, kiếm thêm thu nhập nhưng cảnh thiếu trước hụt sau cứ theo anh từ năm này qua năm khác.

Thế rồi chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề thông qua nguồn vốn Chương trình 135 đã về tới Núi Tô. Chương trình đã giúp bà con Khmer từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, áp dụng phương pháp chăm sóc lúa tiên tiến như: chọn giống lúa mới, quản lý dịch bệnh, sâu hại, “ba giảm - ba tăng” (giảm lượng giống gieo sa, phâm đạm, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế), “một phải - năm giảm” (phải chọn giống lúa xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và giảm tổn thất sau thu hoạch), lịch né rầy...

Là người chí thú làm ăn, anh Kha tích cực tham gia các lớp tập huấn, các cuộc hội nghị, hội thảo đầu bờ. Từ năm 2000 đến nay, anh dự trên 20 lớp do các ngành chức năng tổ chức. Trăm nghe không bằng một thấy, anh mạnh dạn áp dụng những bài học trên lớp vào thửa ruộng nhà mình. chẳng mấy chốc thửa ruộng trở nên trù phú với giống lúa Nàng Nhen, một loại lúa sạch, không cần sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, năng suất bình quân 20 - 25 giạ/công. Từ đó ruộng của anh được huyện Tri Tôn chọn làm mẫu trình diễn cho bà con Khmer trong vùng học tập và làm theo.

Là vùng đất khó canh tác 2 vụ lúa nên anh trồng xen canh rau màu, thường xuyên theo dõi thông tin thị trường để chọn loại cây trồng phù hợp. Nhờ áp dụng hiệu quả các kiến thức vào sản xuất, anh Kha chẳng những thoát nghèo mà còn làm giàu cho bản thân. Từ 3 công ruộng, đến nay anh đã có 30 công. Anh Kha phấn khởi nói: “Nhờ Nhà nước dạy tôi làm ruộng nên tôi không còn nghèo khổ nữa. Có cái ăn cái ở rồi, bây giờ phải lo cái chữ cho con để làm ăn hiệu quả hơn”.