Bão số 9 đi qua cuốn trôi hàng chục nghìn gốc sâm Ngọc Linh của xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Sâm trôi theo đất đá, hy vọng thoát nghèo của người dân Xê Đăng cũng tan biến.
Thiệt hại nặng nhất là thôn 3 và thôn 4. Gia đình anh Hồ Văn Riết mừng thầm khi thấy hơn 2 nghìn gốc sâm trong vườn lên tươi tốt. Những tưởng sẽ thoát được đói nghèo nhờ cây dược liệu quí hiếm này. Nhưng nay, lũ lụt đã làm vườn sâm nhà anh không còn lấy một gốc. Ngồi nhìn vườn sâm bây giờ chỉ toàn là bùn đất anh Riết lo không biết lấy gì trả nợ ngân hàng. "Tôi riêng vay ngân hàng 8 triệu. Chừ núi lở làm mất hết, kiếm không được gốc nào. Tổng cộng cả sâm non và sâm già tới 2.153 cây. Riêng năm nay tôi ươm thêm hơn 500 hạt cũng trôi hết"- anh Hồ Văn Riết cho biết.
Trong số các vườn sâm bị thiệt hại có nhiều gốc đã trên 10 năm tuổi. Một số hộ chờ thời điểm được giá mới thu hoạch. Nhiều hộ còn chọn những cây sâm khỏe mạnh làm giống. Nhưng bão số 9 đã lật úp các vườn sâm xuống sông suối. Chị Hồ Thị Bấu có 1 vườn sâm 8 năm tuổi với hơn 1.500 gốc cũng bị cuốn sạch. Những ngày này chị Bấu lên vườn nhà mình “bấu” đất lên với hy vọng tìm lại những củ sâm còn sót lại. Nhưng chỉ toàn đất đá.
Không riêng gì chị Bấu mà đa số các hộ có sâm bị đất đá chôn vùi cũng lên vườn đào bới tìm những củ sâm chưa bị cuốn trôi với hy vọng vớt vát được phần nào.
Là loại cây dược liệu quí hiếm, sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là sâm K5, sâm Trúc) có giá trị kinh tế rất cao. Mỗi ký sâm tươi có giá từ 15- 17 triệu. Cứ khoảng 30 củ sâm 7 năm tuổi sẽ được 1 ký. Như vậy với số lượng hơn 26 nghìn gốc sâm bị vùi lấp thì thiệt hại của người dân trồng sâm ở xã Trà Linh lên đến vài tỉ đồng.
Cây sâm không còn. Cơ nghiệp của người trồng sâm phút chốc trở nên trắng tay. Cuộc sống của bà con dân tộc Xê Đăng dưới chân đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ đang đứng trước muôn vàn khó khăn.