Bộ ghế Sôfa được làm bằng cọng lục bình thắt bím, đan mặt ca rô với sợi buông và sử dụng gỗ tràm làm khung, được đặt trang trọng tại văn phòng trưng bày của xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lục bình Cát Tường (ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh, Long Xuyên). Chị Nguyễn Thị Phượng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Tấn Bảo cho biết, đây là sản phẩm “đầu tay” của nhóm học viên tại xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới.
Bộ ghế Sôfa gồm một bàn lớn kèm bàn nhỏ để bình cắm hoa; một ghế đôi và hai ghế chiếc kèm hai ghế phụ được sơn dầu bóng có màu đen tuyền lóng lánh, trông đẹp mắt. Bên cạnh đó, hai cái kệ lớn đang trưng bày hơn 20 mẫu sản phẩm từ lọ cắm hoa đến giỏ đựng hoa, khay, sọt rác, kệ đựng báo, tranh, thảm… được làm từ lục bình, do nhóm học viên khóa nhì tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành sản xuất. Trước đó, tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2010, nhiều mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ lục bình Cát Tường được trưng bày trang trọng ở Ngôi nhà chung. Còn trong khuôn viên hội chợ, gian hàng trên 300 sản phầm (40 mẫu) trị giá hơn 30 triệu đồng đã bán hết cho khách tham quan.
Công ty TNHH Tấn Bảo đã hợp tác với Trung tâm Dạy nghề An Giang đào tạo hai khóa nghề cho 50 học viên thuộc diện nghèo và gia đình khó khăn ở xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) và Bình Hòa (Châu Thành). Tuy nhiên, số học viên “trụ” lại với nghề chỉ 14 người nên năng lực sản xuất khoảng 3.600 tấm thảm/tháng. Vì thế, công ty đã từ chối hợp đồng của một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh yêu cầu cung ứng dài hạn với định mức 20.000 tấm thảm lục bình/tháng. Còn một đối tác ở Đức đặt mua 4 mẫu sản phẩm lục bình với số lượng vài chục ngàn sản phẩm và yêu cầu được nhận hàng mỗi tháng, cũng từ chối. Để đẩy mạnh dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề tỉnh An Giang hỗ trợ tiền ăn cho học viên thuộc diện hộ nghèo mỗi khóa 300.000 đồng (30 ngày); Công ty TNHH Tấn Bảo hỗ trợ học viên ngoài diện chính sách 300.000 đồng/khóa. Tất cả học viên tham dự xong khóa học được cấp giấy chứng nhận học nghề và miễn phí toàn bộ học phí, được nhận làm việc tại các vệ tinh trực thuộc xưởng sản xuất lục bình Cát Tường. Đặc biệt, khóa đào tạo nghề thứ ba vừa được tổ chức đã thu hút 25 học viên ở xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên sẽ được công ty hỗ trợ “đúp” tiền ăn 600.000 đồng/khóa học (30 ngày).
Lục bình càng có giá trị, nếu như việc khai thác được gắn kết với nuôi trồng và làm hàng xuất khẩu. Hiện thời, thương lái thu mua giá 400 đồng/kg cọng lục bình tươi (tăng gấp đôi năm 2005) hoặc 4.000 đồng/kg lục bình khô. Tuy nhiên, theo chị Loan, giá trị nguyên liệu sẽ tăng lên 10 lần hoặc 20 lần, nếu người dân học nghề đan đát lục bình để có thêm việc làm và tăng thu nhập. Chị giải thích, thay vì bán nguyên liệu thô giá 4.000 đồng/kg, làm thêm công đoạn thắt bím được trả công 11.000 đồng/kg, tức giá trị tăng lên 15.000 đồng/kg. Nếu đan thành bình cắm hoa (500 gram nguyên liệu) được trả công 25.000 đồng. Bán nguyên liệu thô chỉ 4.000 đồng/kg thì đan thành sản phẩm, bán được 65.000 đồng/kg; còn đan thành bộ ghế Sôfa được trả công 100.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm lên 115.000 đồng/kg, gấp 28 lần.
Một gia đình ở nông thôn có 4 lao động, mỗi ngày đi cắt được 500kg lục bình tươi, tức 15 tấn/tháng và đem phơi khô còn 1,5 tấn bán nguyên liệu thô giá 4.000 đồng, có thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Khi đã có tay nghề đan đát, số nguyên liệu này được làm thành sản phẩm, giá trị sẽ tăng thêm nhiều lần. Công ty TNHH Tấn Bảo cam kết sẽ thu mua hết sản phẩm mỹ nghệ lục bình đối với những người đã được đào tạo nghề và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.