00:00 Số lượt truy cập: 3233990

Nguy cơ biến mất nghề trồng dâu nuôi tằm ở Đức Hiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Xã Đức Hiệp (Mộ Đức - Quảng Ngãi) vốn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của hàng trăm hộ dân dựa vào nghề này. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ ngày càng bấp bênh, nhiều hộ đã bỏ nghề hoặc chuyển sang cây trồng khác, đẩy nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ mai một.

Hướng dẫn chọn lựa lá dâu trước khi thu hái.

Bây giờ đã bước vào mùa trồng dâu, nhưng trên cánh đồng dâu ở thôn Phú An chỉ lác đác vài người làm đất, làm cỏ. Bà Bùi Thị Phượng đang dọn cỏ và vun gốc dâu cho biết, trước đây ở Đức Hiệp có hàng trăm hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, bây giờ nhiều người bỏ nghề vì không đủ sống, một số đi làm ăn xa, số còn lại chặt dâu trồng cây khác. Gia đình bà Phượng chỉ có 2 sào ruộng (1 sào Trung Bộ = 500m2), ngoài ra không có đất đai, nghề nghiệp gì khác nên bà phải thuê 8 sào đất bãi để trồng dâu nuôi tằm, kiếm thêm thu nhập. Gia đình bà đã gắn bó với nghề này được 7 năm. Tuy nhiên, do giá kén ngày càng thấp, thu nhập bấp bênh, bà phải tận dụng lúc cây dâu chưa phát triển trồng xen bắp (ngô), đậu, ớt dù biết như vậy sản lượng dâu sẽ thấp. “Nếu không xen canh, gia đình tôi sẽ không đủ tiền sinh sống hàng ngày nói gì đến chi phí thuê đất”, bà Phượng than thở.

Bãi dâu Phú An trước đây trải dài một màu xanh ngắt với hàng chục hecta dâu thì nay chỉ còn hơn 10ha. Tiếc cho đồng dâu ngày càng thu hẹp, nhưng vì cuộc sống, ông Nguyễn Tiên đành phá bỏ 6 sào dâu của gia đình, chuyển sang trồng bắp. Ông Tiên cho biết, trồng dâu nuôi tằm là nghề vất vả, để có trái kén, người nuôi phải trải qua quy trình nghiêm ngặt, trước tiên phải trồng dâu, mua trứng tằm để cho nở, sau 25-30 ngày chăm sóc khó nhọc thì mới hái kén được. Ông Nguyễn Tiên nói: “Nuôi được con tằm cực lắm, một đêm thức giấc 2 lần cho ăn, rồi còn bị bệnh, hư hỏng nữa. Do chẳng có ai hướng dẫn nên chúng tôi chỉ biết làm theo cách truyền thống, hiệu quả thấp. Chưa kể còn bị tư thương ép giá”.

Ông Huỳnh Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hiệp cho biết: “Mỗi hộ trồng dâu được xã cho mượn ít nhất 2.000m2 đất để canh tác. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của hơn 40 hộ làm nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sau cơn lũ năm 1999, Nhà nước cho người dân vay hơn 100 triệu đồng để cải tạo giống dâu theo nguồn vốn 120, đến nay nhiều hộ vẫn chưa trả được nợ. Nguyên nhân là do giống dâu cũ năng suất không cao, giá kén trên thị trường bấp bênh. Tư thương tha hồ ép giá. Người dân làm ra sản phẩm, nhưng chính họ cũng không biết bán ở đâu. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương có định hướng chuyển đổi diện tích trồng dâu nuôi tằm sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Biết rằng khi chuyển đổi sang cây trồng khác sẽ mất đi nghề truyền thống ở Đức Hiệp, nhưng nếu việc chuyển đổi đó đảm bảo đời sống cho người dân thì rất cần thực hiện. Vấn đề đáng bàn là ngành chức năng, chính quyền địa phương phải có định hướng cụ thể, hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ để không lặp lại “vết xe đổ” như nghề trồng dâu nuôi tằm.