00:00 Số lượt truy cập: 3229931

Nhiễu loạn thông tin giá cà phê 

Được đăng : 03/11/2016

Chưa bao giờ thông tin liên quan đến mặt hàng cà phê lại nóng hổi như mùa vụ này khi giá cà phê Robusta mấy ngày qua đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử. Đây là giá thực hay ảo? Xuất hàng bán hay “găm” đợi tăng giá? Một “cuộc chiến” về thông tin đang diễn ra nóng bỏng y hệt biểu đồ lên xuống của giá cà phê…


Liên tiếp trong mấy ngày gần đây, nhiều tổ chức thông tin, ngân hàng quốc tế và hãng thông tấn lớn trên thế giới đều khẳng định rằng, sản lượng cà phê thế giới không hề thiếu hụt. Vậy tại sao giá cà phê tăng nhanh đến chóng mặt và hiện đã đứng ở đỉnh cao trong lịch sử khi đầu vụ giá chỉ 28 triệu đồng/tấn, nhưng đến giữa vụ đã tăng trên 46 triệu đồng/tấn?

Nhiều tổ chức thông tin trên thế gới còn lớn tiếng rằng, nông dân ở các nước trồng cà phê lớn là Brazil và Việt Nam “găm” hàng với hy vọng giá cao hơn nữa là lý do chính khiến giá tăng chứ không phải do thiếu cung. Đặc biệt, nhiều cơ quan dự báo quốc tế còn mạnh dạn khẳng định, sản lượng ở hai cường quốc cà phê là Baraxin (cà phê Arabica) và Việt Nam (cà phê Robusta) còn trúng mùa, dư thừa rất lớn và giá sẽ giảm nhanh...

Nhiều chuyên gia VN đã từng cảnh báo về “đòn gió” gây nhiễu loạn thông tin trên thị trường cà phê của các tổ chức này. Thực chất, các cơ quan dự báo là lực lượng phục vụ cho người mua chứ không bao giờ vì người sản xuất, đặc biệt là nó được ồ ạt tung ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm như hiện nay. Chính bất công này đã khiến hàng triệu nông dân trồng cà phê của VN cũng như nhiều nước luôn chịu cảnh điêu đứng vì giá bán thấp và ít khi được hưởng những thành quả đáng ra phải thuộc về mình.

Theo một ủy viên BCH Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, kiêm giám đốc một Cty cà phê ở TP.HCM, giá cà phê đang tăng cao nhất trong lịch sử do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn cung (đặc biệt là cà phê Arabica) đang thiếu hụt nặng (Colombia, Indonexia, Braxin…). Ông này cũng cho biết, hiện có hai sàn giao dịch cà phê lớn trên thế giới: Một là sàn New York chủ yếu giao dịch cà phê Arabica và sàn London chủ yếu giao dịch cà phê Robusta. Các năm chênh lệch giữa giá cà phê tại hai sàn chỉ từ 1.200 – 1.500 USD, nhưng hiện nay chênh lệch giữa hai sàn đã trên 3.400 USD/tấn: Arabica khoảng 5.850 USD/tấn còn Robusta mới đạt gần 2.400 USD/tấn.

Điều này cho thấy, cà phê Arabica (thế giới sử dụng khoảng 70%) đang thiếu hụt nghiêm trọng và Robusta trở thành lựa chọn để thay thế khiến giá Robusta được đẩy lên rất cao, dù ngay trong chính vụ của VN. Tất nhiên cũng có ảnh hưởng của việc đầu cơ tạm trữ, giá xăng dầu, điện nước tăng lên, nhưng đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Tại sao tất cả các năm trước đầu vụ thu hoạch giá đều hạ, cuối vụ hết hàng giá mới cao. Nhưng hiện VN mới vào chính vụ, sản lượng thu hoạch cả triệu tấn mà giá lại cứ tăng vùn vụt như vậy? Chỉ có cung chênh lệch quá lớn với cầu mới có thể khiến giá cà phê lên theo chiều thẳng đứng như thế!

Trong khi đó, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao VN (Vicofa) cũng nhiều lần bức xúc cho rằng, các tổ chức thông tin quốc tế đang “bày trò” và trở thành phát ngôn viên một chiều cho các DN nhập khẩu cà phê lớn trên thế giới. Việc làm này cũng đã được chứng minh trong niên vụ 2009 - 2010, các tổ chức này dự báo rằng: Brazin sản lượng lên tới 50 triệu bao (60 kg/bao) nhưng thực tế chỉ có 39 triệu bao, còn VN tới 22 triệu bao nhưng hóa ra chỉ có 18 triệu bao mà thôi! 

Được biết, ngay từ đầu niên vụ 2010 – 2011, Brazil bị hạn hán, ít mưa, cây bị vàng lá, rụng lá ảnh hưởng tới việc ra hoa và sản lượng vụ tới. Còn tại VN, sản lượng cà phê vụ này do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài nên hạt nhỏ, tỷ lệ cây già cỗi lên đến gần 30%. Và dự báo này đã đúng với thực tế sản lượng của các nước đều suy giảm từ 10 – 20%, khiến giá cà phê thế giới bị tác động mạnh, liên tục phá vỡ kỷ lục về giá bán trong mấy ngày qua.

Có một nghịch lý đang diễn ra là, cứ khi nào giá cà phê biến động theo chiều tăng lên là tức khắc sẽ có nhiều DN xuất khẩu cà phê của VN rơi cảnh nợ nần, thậm chí phá sản. Đã có DN “dính chấu” hàng chục tỷ đồng vì phi vụ chốt giá sớm và đang bị đối tác quay như chong chóng. Tại sao như vậy?

SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ VN NIÊN VỤ 2011-2012 SẼ TIẾP TỤC GIẢM

Trao đổi với NNVN, Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho biết, nguồn nước ngầm tại Tây Nguyên hiện đã giảm xuống 3 – 4 m so với trước nên nhiều khu vực ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk thiếu nước trầm trọng để tưới cho cà phê. Thiếu nước, hạn hán và biến đổi của thời tiết khiến cây cà phê sẽ không ra hoa đều và ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vì thế, cảnh báo sản lượng cà phê của VN niên vụ 2011 – 2012 tới sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Theo một chuyên gia ngành hàng cà phê, hiện đã có một số DN ký hợp đồng kỳ hạn nhưng chốt giá chỉ 1.800 – 1.900 USD/tấn, trong khi kho của mình chưa có cà phê nên đã rơi vào tình cảnh sống dở chết dở. Những DN này đang phải đứng trước lựa chọn: Nếu giao hàng sẽ lỗ nặng vì phải thu mua trong dân giá cao (giá Robusta xuất khẩu hiện đạt gần 2.400 USD/tấn); còn không giao hàng sẽ bị đối tác kiện ra tòa án quốc tế và bị phạt nặng.

 Tuy nhiên, hầu hết các DN tự đưa mình vào “tròng” đều từng có “tiền án” làm ăn theo kiểu chộp giật, liều lĩnh đi ký “khống” và chốt giá cách đây 2 – 3 tháng, trong khi kho vẫn trống rỗng cà phê. Nếu DN làm ăn đàng hoàng, khôn khéo, tập trung ký ngay, bán ngay khi trong kho đã có hàng thì 100% đều lãi to (từ 1.500 -2.000đ/kg trong 2 tháng gần đây).

Cụ thể, ông Lê Đức Thống – Giám đốc, Công ty XNK cà phê 2/9 Đắk Lắk cho biết, Vicofa và Bộ Công thương đã cảnh báo tình trạng ký kỳ hạn, bán trừ lùi, chốt giá “khống” đã khiến nhiều DN thua lỗ nhiều năm nay. Trong tình hình giá cà phê tăng mạnh như hiện nay thì DN nào cố tình làm ngược lại cảnh báo thì chắc chắn còn thua lỗ nặng nề hơn trước. “Nếu anh nào bị phá sản vì chuyện này thì đừng có đổ thừa không được cảnh báo và dư luận cũng sẽ lên án họ vì góp phần phá hoại sự ổn định và lớn mạnh chung của ngành cà phê VN”.

Ông Thống cũng cho rằng, để có thể tận dụng tối đa cơ hội vàng hiện nay của ngành cà phê, các DN phải tính toán kỹ kế hoạch bán hàng của mình và đặc biệt là tuân thủ phương châm “hàng có tới đâu chốt giá tới đó”.