Mưu sinh nơi biển vắng
Không như mấy năm trước, năm nay biển động sớm, rong ít hơn nên mới 5 giờ sáng, anh Nguyễn Công Nam đã giục tôi ra biển. Anh kể: “Rong biển thường có nhiều ở những bãi đá nhọn, hoặc khu biển có địa hình ghập ghềnh. Tham gia nghề này có tới hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em”.
Sáng sớm, biển lặng sóng, khu Hòn Một, Bãi Tiên không một bóng khách du lịch, chỉ có những người đàn ông đang lặn ngụp dưới biển. Bên cạnh họ là những chiếc thuyền thúng và bao lưới để đựng rong. Ở chỗ nước cạn hơn là mấy chục phụ nữ đang miệt mài gỡ, cắt từng cây rong bám trên các mô đá. Chị Lê Thị Hoa cho biết: “Rong biển ở chỗ cạn thường bám vào đá rất chắc, phải dùng dao cắt một cách khéo léo thì mới lấy được. Rong có quanh năm, nhưng phát triển rộ nhất là từ tháng 5 đến hết tháng 9 dương lịch”. Đang nói chuyện với tôi, bỗng chị Hoa hốt hoảng khi nhìn thấy con gái mình là Nguyễn Thị Lan (16 tuổi) đang ôm chân bê bết máu. Lan giải thích: “Rong chủ yếu mọc xen kẽ trên những bãi đá hoặc bãi san hô sắc nhọn, những đám vỏ ốc… nên nếu không cẩn thận, người khai thác rong có thể bị rách tay, rách chân”.
Nhưng có lẽ nguy hiểm nhất là lúc thủy triều dâng. Chị Trần Thị Nhung giãi bày: “Là dân lao động, càng lấy được nhiều rong càng ham nên đôi lúc tôi không để ý sự nguy hiểm quanh mình. Năm trước, nước dâng đột ngột đã làm một cháu bé chết đuối trong lúc đang cắt rong”.
Rút kinh nghiệm, những người lấy rong bây giờ thường đi theo nhóm 2 - 5 người để tiện giúp đỡ nhau khi cần.
Mơ một ngày mới…
Trung bình mỗi ngày, hai bố con anh Nguyễn Văn Chung cắt được khoảng 3 tạ rong tươi, đem phơi khô, bán cho chủ vựa với giá 5.000 đồng/kg rong mơ, 2.000 đồng/kg rong mềm, tổng cộng cũng thu được 300.000 đồng. Một chủ vựa rong cho biết: “Nghề này vất vả nhưng mang lại thu nhập quanh năm, lại không mất vốn đầu tư, chỉ cần lặn giỏi, trang bị một chiếc thuyền thúng, bao lưới, mấy cái liềm hái là có thể đi lấy rong. Có ngày chúng tôi thu mua hàng trăm tấn rong biển rồi chở về bán lại cho các nhà máy để chế biến nước giải khát, thức ăn gia súc”.
Năm 2007, anh Nguyễn Đức kéo cả gia đình vào Nha Trang làm nghề lấy rong biển. Cậy có sức khỏe, con trai anh trong một lần cõng bao rong tươi nặng 90kg, té ngã đập đầu xuống ghềnh đá, đến nay vẫn trong tình trạng thần kinh không ổn định. Vợ anh cũng bị bệnh phổi mạn tính do ngày nào cũng ngâm mình dưới nước. Riêng anh Đức, mỗi ngày vẫn lặn ngụp cắt rong, sau đó cõng lên bãi phơi. Hy vọng của gia đình anh dồn cả vào đứa con út đang học lớp 11.
Cách nhà anh Đức không xa, nhà bà Hoàng Thị Hằng cũng chẳng khá hơn. Gạt mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, bà buồn bã kể: “Cứ bám mãi vào cái nghề này cũng không ổn, phải tìm lối thoát cho các thế hệ sau thôi”. Quê ở Ninh Hòa, nhà bà Hằng có 5 người dắt díu nhau vào thuê một căn nhà ọp ẹp để làm nghề hái rong. Rong ngày càng ít nên những người làm nghề nơi đây luôn muốn có một nghề ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống.