00:00 Số lượt truy cập: 3233988

Nhọc nhằn nghiệp muối 

Được đăng : 03/11/2016
Diêm dân tỉnh Nam Định, vựa muối lớn nhất miền Bắc, đang kêu trời vì giá muối liên tục giảm. Hơn thế, năm nay thời tiết mưa nắng thất thường khiến việc làm muối không thuận lợi, nhiều diện tích đồng muối phải bỏ hoang. Dường như cái nghiệp làm muối gắn liền với mảnh đất này hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ lụi tàn.

Làm muối cực nhọc nhưng thu nhập thấp.

Hải Hậu một ngày giữa tháng 8, thời tiết oi nồng. Thời tiết này rất phù hợp để người dân ra đồng làm muối. Nhưng thật lạ, hôm đó đồng muối vẫn im lặng, đìu hiu. Cả cánh đồng bao la chỉ có lác đác vài người lom khom san đồng, đổ nước.

Thêm một mùa đắng

Nếu không tận mắt quan sát diêm dân làm nghề, có lẽ nhiều người như tôi sẽ nghĩ kỹ thuật làm muối thật đơn giản. Nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi mới nhận ra điều đó không đúng bởi để có hạt muối trắng, bà con phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức.

Ông Phạm Văn Cương, người dân xã Hải Chính cho biết: “Sản xuất muối tuy vốn đầu tư ban đầu không cao nhưng khá nhọc công. Muốn có được hạt muối trắng thật không đơn giản. Đầu tiên là công đoạn chọn nền đất với các tiêu chí có độ bằng phẳng đều, để sau khi nạo vét tạp chất và đầm nén, đất mặt đáy ổn định, có độ kết dính cao, bảo vệ chắc chắn cho cả khung và chân ruộng. Ngoài ra, độ mặn của nước biển dẫn vào phải cao, để độ bốc hơi nước trong thời gian hong nắng nhanh, kết tinh sớm. Mực nước biển ban đầu dẫn vào ruộng thường dao động 15 - 20cm, quá trình hong nắng từ 7 - 15 ngày. Mặt khác phải thường xuyên dọn vệ sinh bằng cách dùng vợt vớt các tạp chất bẩn đóng trên bề mặt nước trong ruộng, để khi thu hoạch, hạt muối không bị đen. Thường thì sau khi hong nắng khoảng 1 tuần, diêm dân có thể cào để thu hoạch lần đầu và bình quân 1 tháng có thể thu hoạch 2-3 lần. Nếu thời tiết thuận lợi, muối thương phẩm sẽ được sản xuất liên tục trong năm, năng suất đạt khá”.

Với 4 sào ruộng làm muối nhưng chỉ 2 lao động, ông Cương gặp rất nhiều khó khăn. Làm muối thất bát nhiều năm liền, đã có lúc, ông định trả lại ruộng muối cho HTX. Nhưng ở cái mảnh đất thấm đượm vị mặn đắng này, ngoài làm muối biết làm nghề gì khác. Nghĩ vậy, ông lại cố làm thêm năm nữa với ước mong muối được mùa, giá tăng cao. Theo ông Cương, đặc trưng nhất của nghề muối là phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Năm nào mưa thuận gió hòa thì diêm dân đỡ khổ. Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, với 4 sào muối, tôi chỉ thu được 2,5 triệu đồng/3 tháng”, ông Cương kể.

Tại xã Hải Triều, ngoài một số thửa chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, nhiều đồng muối đang bị bỏ hoang trơ trọi. Bà Đỗ Thị Hường, một người dân than thở: “Năm trước, với giá muối 40.000 đồng/phương, diêm dân còn hào hứng làm muối, nhưng năm nay giá muối giảm còn một nửa nên làm muối chỉ đủ đong gạo”. Được biết, những tháng gần đây, giá muối xuống chỉ còn 25.000 - 28.000 đồng/phương và phụ thuộc nhiều vào thương lái. Vào những lúc trái vụ, các chủ mua muối đẩy giá lên cao để cạnh tranh, nhưng cũng có lúc lại bảo nhau dìm giá, diêm dân cũng đành chịu. Đã vậy, phương dùng để đong muối cũng không có kích cỡ chuẩn, phương to đựng được khoảng 27kg muối, còn phương vừa vừa thì đựng được 24kg.

Làng thiếu đàn ông

Chúng tôi đến cánh đồng muối xóm Nam Ninh (xã Hải Chính) khi đang giữa vụ muối. Trước túp lều nằm lẻ loi giữa những đồng muối mênh mông, một bà trạc 60 tuổi đang gò lưng đẩy chiếc xe cát nặng trĩu, dồn muối về một hàng. Đằng sau có 2 đứa trẻ tầm 8 - 12 tuổi gồng mình đẩy theo. Giữa trưa, bà và hai đứa trẻ thở hổn hển. Đó là bà Trần Thị Mai, có hai người con trai đang làm thuê ở Bà Rịa - Vũng Tàu. “Con trai, con dâu đều đi làm ăn xa hết. Việc nhà cửa, ruộng vườn đều do một tay tôi đảm nhiệm”, bà than thở.

Trong sự hình dung của chúng tôi, nghề muối chỉ phù hợp với những lao động khỏe mạnh. Nhưng thực ra tại hầu hết các đồng muối ở Nam Định, đàn ông đều đã bỏ nghề, bỏ làng đi làm ăn xa, ở làng chỉ còn lại đàn bà, người già và trẻ em.

Ông Ngô Quốc Chung, Trưởng xóm Nam Ninh cho biết: “Làm muối cực nhọc, vất vả mà thu nhập lại thấp. Năm sau giá muối thấp hơn năm trước, bám vào mấy sào muối và chỉ làm mấy tháng nắng thì lấy gì mà ăn. Vì thế, đàn ông trong làng đổ xô theo nghề khơi với ước mơ đổi đời. Còn cánh đàn ông 40 - 50 tuổi không đủ sức khỏe để ra khơi thì bỏ làng lên thành phố làm công nhân xây dựng, cửu vạn...”.

Bên cạnh nhà ông Chung là nhà của chị Nguyễn Thị Thanh. Chị than thở, chồng làm ăn xa, một mình nuôi 5 con và mẹ già nên khổ cực trăm bề. Những chuyện từ giỗ chạp, cúng bái đến việc sửa nhà, nạo giếng một tay chị làm hết.

Tương tự, gia đình ông Cương có 4 người con trai, các con của ông bà đã lập gia đình riêng, nhưng không ai theo nghiệp của bố mẹ mà đi theo nghề khơi. Có lẽ trong làng, ông bà chỉ là số ít người còn thiết tha và trăn trở với nghề muối. Vì thế, ngoài nghề chính, những lúc rỗi, ông lại đi đánh te bắt tép cho bà làm mắm. Ngoài ra, ông bà còn nuôi lợn, gà và trồng một số loại hoa màu kiếm thêm thu nhập.

“Người dân đổ xô đi làm ăn xa thực là lợi bất cập hại. Giữa vụ muối mà chẳng bóng người đàn ông nào. Nnưng ở lại làng thì cuộc sống quá khó khăn”, ông Chung nói.