Điển hình là mô hình của ông Nguyễn Văn Sáng ở xã Phú Thành B (Tam Nông). Từ năm 2008, ông bắt đầu nuôi tôm càng xanh và mô hình này đã mang lại lợi nhuận cao, giúp ông thoát nghèo. Sang năm 2009, ông tiếp tục nuôi và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, lên bờ bao, ủi bằng lớp đáy, cải tạo ao và tiến hành thả tôm. Lúc ương tôm trong mùng cước, ông cho ăn 4 lần/ngày, với lượng thức ăn có độ đạm cao (từ 40% trở lên). Thả tôm khoảng 40 ngày, ông tháo mùng cho tôm ra ruộng và cho ăn ngày 3 lần. Khi tôm được 4 tháng tuổi, cho ăn thêm thức ăn từ các loại cá con xay nhuyễn và trùn (giun) quế trộn thêm vitamin C và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm.
Sau 6 tháng nuôi, ông Sáng thu hoạch được 2.800kg tôm càng xanh, bán với giá 90.000 đồng/kg, thu 252 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 110 triệu đồng. Ông Sáng nói: “Nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi chi phí cao, nhưng bù lại dễ nuôi, phát triển đồng đều, cho lãi cao và ít bị bệnh”. Ngoài ra, ông còn vận động 8 hội viên Hội Cựu chiến binh cùng nuôi 22ha. Để hiểu thêm về kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, ông chủ động mời Công ty Chế biến thức ăn tôm Dan Chan (Đài Loan) tổ chức hội thảo hướng dẫn người nuôi biết cách chăm sóc, phòng bệnh.
Mô hình tiếp theo chúng tôi đến thăm là của anh Huỳnh Văn Khanh ở xã Phú Thọ (Tam Nông). Do nắm chắc kiến thức nên sau khi thu hoạch 2ha lúa đông xuân, anh mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm càng xanh trong vụ hè thu năm 2009. Trước khi thả nuôi, anh lên bờ bao, ủi bằng lớp đáy, cải tạo ruộng theo đúng kỹ thuật và tiến hành thả tôm. Sau 6 tháng nuôi, anh Khanh thu 3,4 tấn tôm càng xanh, với giá bán 85.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 126 triệu đồng.
Xã Phú Lợi (Thanh Bình) có 35ha mặt nước nuôi tôm nhưng đây là năm thứ ba người dân ở đây được mùa tôm với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha/vụ. Ông Trần Văn Oanh, người nuôi tôm ở ấp 3 nói: “Nhờ nuôi tôm càng xanh mà gia đình tôi khá lên. Vụ này, tôi thả nuôi 10,5ha, năng suất 1,2 -1,5 tấn/ha. Với giá tôm 100.000 đồng/kg thì khả năng từ nay đến cuối vụ, tôi sẽ thu 150 triệu đồng/ha”.
Huyện Cao Lãnh có lợi thế nằm cạnh sông Tiền, quanh năm nước ngọt phù sa bồi đắp cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tận dụng lợi thế đó, anh Võ Văn Nhiều ở ấp Bình Dân (xã Nhị Mỹ) đã nuôi hai năm 3 vụ tôm, lợi nhuận đạt 90 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Thạnh ở ấp 2, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh là hộ có diện tích nuôi tôm càng xanh nhiều nhất với 4,5ha. Anh cho biết: “Tôi được ngành nông nghiệp đưa đi tham quan các mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở các huyện bạn, thấy dễ nuôi, tôi mạnh dạn thả trên 4,5ha, thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha”.
Trúng mùa tôm, cuộc sống của nhiều nông dân Đồng Tháp khá lên nhanh chóng. Mỗi lần bàn chuyện đổi đời nhờ tôm càng xanh, bà con đều không quên cán bộ khuyến nông giúp đỡ, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, cho vay vốn hoặc vận động các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Cứ như vậy, người đi trước hướng dẫn người theo sau, từ thực tế, nông dân trao đổi kinh nghiệm, mô hình nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp ngày một mở rộng, phát triển bền vững.