00:00 Số lượt truy cập: 3234315

Những mô hình sản xuất mới ở Tam Nông 

Được đăng : 03/11/2016
Bây giờ, có dịp qua huyện Tam Nông (Đồng Tháp), chúng ta sẽ được nghe người dân nơi đây nói nhiều về chuyện làm ăn thông qua những mô hình sản xuất đạt doanh thu trên 50 triệu đồng/ha/năm, vừa khai thác tiềm năng đất đai, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Mô hình trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngồi bên bờ đê cạnh ruộng đậu của Đào Công Kía ở xã Phú Thành A, nghe anh kể về kinh nghiệm canh tác 2 vụ lúa + 1 vụ đậu nành mà tôi cứ ngỡ anh là kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Anh Kía nói: “Khi thu hoạch lúa đông xuân xong, tôi tranh thủ đốt gốc rạ, thuê người cày xới đất, bơm nước vào ruộng, bón phân lót và gieo sạ hạt đậu nành giống 17A... Qua gần 3 tháng vun trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên 10 công ruộng đậu (1 công = 1.000m2) của tôi đã cho thu hoạch hơn 2,4 tấn đậu nành thương phẩm, với giá bình quân 5.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lời hơn 6,6 triệu đồng. Tính chung, mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ đậu nành, gia đình tôi lãi 20 triệu đồng/năm”...

Tại hội thảo mô hình trồng đậu nành xen 2 vụ lúa, anh Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Nông cho biết: “Đất sau khi trồng đậu nành rất giàu dinh dưỡng và tơi xốp, giúp nông dân giảm được chi phí bón phân cho lúa hè thu, năng suất lúa tăng lên... Huyện hiện có hàng trăm hộ trồng đậu nành xen hai vụ lúa, tập trung ở các xã ven Quốc lộ 30, riêng hai xã Phú Thành A, Phú Cường đã có hàng chục hécta. Đa số người trồng đậu đều có lãi 6 - 10 triệu đồng/ha. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng ổn định, tăng thu nhập bền vững cho nông hộ...”.

Thu hoạch tôm.

Bên cạnh nguồn lợi từ đậu nành, mô hình trồng ớt trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả đã được nông dân Tam Nông áp dụng thành công. Anh Nguyễn Văn Hóa ở xã Phú Ninh đã đầu tư hơn 10 triệu đồng cải tạo đất, mua ớt giống chỉ thiên trồng trên 2.000m2 đất ruộng. Khi tôi hỏi vì sao anh chọn giống ớt trên để trồng và kỹ thuật canh tác ra sao?, anh Hóa chẳng những không giấu nghề mà còn vui vẻ bộc bạch: “Giống ớt chỉ thiên dễ trồng, cho năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá... Trước khi gieo ớt vào bầu ươm, tôi xịt thuốc ngừa kiến và các loại côn trùng gây hại khác để giúp cho hạt nảy mầm tốt. Mỗi bầu ươm 1 - 2 hạt. Lúc ớt lên được 20 ngày, tôi mở bầu đem trồng xuống đất và tưới nước 1 - 2 lần/ngày...”. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên sau hơn 4 tháng vun trồng, 2.000m2 ớt cho thu hái 35 đợt, sản lượng 7 tấn trái ớt thương phẩm, bán với giá bình quân 9.000 đồng/kg, thu trên 60 triệu đồng. Trừ chi phí, anh Hóa còn lãi 15 triệu đồng... Hiện Tam Nông có 30ha ớt trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả, tập trung nhiều ở các xã An Long, Phú Ninh...

Những năm trước, sau khi thu hoạch lúa, rơm chỉ được xem là rác, hầu hết bà con đều đốt hoặc vứt xuống kênh mương. Song, những năm gần đây, nông dân Tam Nông đã tận dụng nguồn rác này để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho gia đình bằng nghề trồng nấm. Anh Đỗ Văn Mên ở xã Phú Cường đang tranh thủ trồng nấm rơm trên 2,6 công đất ruộng cho biết: “Trồng nấm không khó nhưng phải nắm vững quy trình kỹ thuật mới đạt kết quả cao. Rơm ủ làm vồng mô nấm được hơn 1 tháng là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch đến khi tàn là nửa tháng. Năng suất bình quân đạt 3kg nấm thương phẩm/m2 vồng mô nấm. Với 2.600m2 ruộng trồng nấm, gia đình anh Mên có lãi hơn 20 triệu đồng. Do trồng nấm không ảnh hưởng đến thời vụ canh tác lúa nên sau khi thu hoạch, nông dân trong huyện đã tận dụng rơm làm nấm và thu hoạch nấm xong có thể lấy rơm mục (rất giàu dinh dưỡng) làm phân bón cho lúa, vừa tiết giảm chi phí mua phân bón cho lúa, vừa giúp tăng năng suất... Mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn sản phẩm phục vụ xuất khẩu và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn...

Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phong trào nuôi trồng thủy sản ở huyện Tam Nông cũng phát triển. Toàn huyện hiện có 3.000 hộ nuôi thủy sản trên diện tích 1.025ha mặt nước ao hầm, lồng bè. Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Hòa Bình đã cải tạo 3.000m2 đất ruộng thả nuôi hơn 60kg cá rô đồng giống. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, anh thu hơn 15 tấn cá rô đồng thương phẩm, bán được hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 107 triệu đồng. Anh Dũng vui vẻ nói: “Thời gian nuôi cá rô đồng tương đối ngắn, chi phí đầu tư thấp, nhưng lãi thật hấp dẫn...”.

Ông Lê Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ vận động bà con chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang sản xuất xen canh, đa canh; tích cực đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích. Mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 900ha trong mùa nước nổi năm 2009”. Nhiều hộ dân trong huyện còn tận dụng nguồn phân bò, mở rộng mô hình nuôi trùn (giun) quế để cung cấp nguồn thức ăn sạch, giàu dinh dưỡng cho tôm, cá, vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại thu nhập cao.