00:00 Số lượt truy cập: 3232550

Những người Vân Kiều đầu tiên trồng cao su tiểu điền 

Được đăng : 03/11/2016
Linh Thượng là xã miền núi phía tây huyện Gio Linh (Quảng Trị). Gần 95% người dân là đồng bào dân tộc Vân Kiều nên việc trồng cao su tiểu điền được xem là một “hiện tượng lạ”.

Bước qua hủ tục

Xã Linh Thượng có 363 hộ, 1.657 nhân khẩu vốn là xã 135 nên mặt bằng dân trí còn hạn chế. Chuyện trồng cây cao su của đồng bào Vân Kiều được bắt đầu từ năm 2001, thông qua chương trình Đa dạng hóa nông nghiệp, mỗi người dân được vay vốn ưu đãi để mua phân bón, khai hoang vùng đồi nằm bên Khe Mướp để trồng cao su. Riêng cây giống do Sở NN- PTNT Quảng Trị cung cấp. Tuy được hỗ trợ đầy đủ như thế nhưng khi xã đưa vốn về cho người dân, giục bà con trồng cây cao su xóa đói, dân bản đều lắc đầu nguây nguẩy.

Có hộ gia đình chẳng “thèm” tiếp cán bộ khi họ đến nhà vận động. Ông Hồ Văn Ơi, một già làng thôn Bến Mộc 1, nhớ lại: “Hồi đó ai biết cây cao su là cây chi, trồng có lãi mô. Nghe xã nói bà con còn ngại lắm”. Gần 95% người dân của xã là đồng bào dân tộc ít người xưa nay quen sống du canh du cư, phát nương làm rẫy, săn bắt chim muông trên rú. Ruộng lúa cũng chẳng được mấy hạt, cây rừng thì thưa thớt vì đây là vùng bán sơn địa, chó ăn đá, gà ăn sỏi! Mang cây cao su về với dân bản ngày ấy quả gian nan.

Anh Hồ Quốc Hương, Chủ tịch UBND xã Linh Thượng tâm sự: "Là người Vân Kiều, hơn ai hết tôi hiểu những tập tục của bà con. Nhưng không lẽ mình chịu nghèo đói trên chính mảnh đất quê hương?". Thế rồi, anh bỏ vốn cùng cán bộ xã khai hoang vùng đồi hơn 5ha ở Khe Mướp, Khe Môn trồng cây cao su “làm mẫu”. Tò mò, hộ ông Hồ Thuận (thôn Bản Mộc 2) cũng tình nguyện theo cán bộ khai hoang vùng đồi hơn 3ha. Ông Thuận quần quật phát quang một tháng trời, đến khi vùng đất cằn cỗi có thể trồng xuống những cây cao su đầu tiên thì đồng bào bắt đầu tin lời cán bộ.

Ông Thuận tâm sự: “Nghe trồng cao su miềng cũng ưng ưng nhưng không hiểu là cây gì. Thực tình lúc đó miềng muốn phát quang quả đồi bên Khe Mướp để trồng rừng nhưng không biết bắt đầu từ đâu, làm như răng để trồng được cây cao su. Khi nghe cán bộ trồng cao su thì miềng mới tin”.

Khi những chồi cao su bắt đầu nảy lộc thì nhận thức của người Vân Kiều cũng đổi thay. Những tập tục du canh, phát nương làm rẫy cũng bỏ hẳn. Rừng cây bụi thấp, lau lách hiện lên màu xanh bạt ngàn cây cao su tiểu điền. Ngày đó, Chủ tịch xã Hồ Quốc Hương dẫn bà con lên đồi “thuyết trình” về cây cao su mà ứa nước mắt. Anh Hương nhớ lại: “Khi cây cao su đã lớn ngang ngực, hiệu quả đã rõ, bà con phấn khởi lắm. Người Vân Kiều mình hay lam hay làm, chịu thương chịu khó nên chẳng mấy chốc những khoảng đất trống đồi trọc, cây bụi được chuyển sang trồng cao su hết”.

Bạc triệu từ nhựa trắng

Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng cao su, Chủ tịch Hồ Quốc Hương cho biết, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn xã đã đạt 400ha, đầu năm 2009 đã đưa vào khai thác trên 60 ha, bước đầu thu nhập từ 50-55 triệu đồng/ha/năm. Nhờ cây cao su mà số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm hẳn. Những mẻ “vàng trắng” đầu tiên ứa ra từ thân cây xù xì đã làm thay đổi cuộc sống của đa số người dân Vân Kiều ở miền đất nghèo khó phía tây Gio Linh.

Ngay con suối Khe Mướp dẫn lên rừng cao su Linh Thượng, từ sáng sớm lũ lượt hàng trăm bà con dân tộc Vân Kiều dùng xe máy mang từng xô “vàng trắng” trên rẫy trở về “bán tươi” cho thương lái. Dẫn đầu trong số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây cao su tiểu điền là lão nông Hồ Thuận với 3 ha cao su mới “mở mắt” (cạo bói) vụ đầu tiên cho thu nhập 350-450.000 đồng/ngày. Số tiền trên với người Vân Kiều ở vùng đất bán sơn địa cằn cỗi như một giấc mơ.

Để phát triển cây cao su tiểu điền bền vững cho bà con Vân Kiều, đầu năm 2009 với sự hỗ trợ của Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, UBND xã Linh Thượng đã mở lớp tập huấn cho hơn 70 hộ dân nhằm trang bị kiến thức phát triển cây cao su lâu dài. Xã cũng đang nỗ lực đắp đường băng qua suối Khe Mướp để mùa mưa bà con thuận lợi hơn khi đi lên đồi chăm sóc và khai thác mủ cây cao su.

Ông Thuận cho biết: “Khi có dự án Đa dạng hóa nông nghiệp, miềng cũng chần chừ. Nhưng rồi miềng nghĩ không thể nghèo mãi được. Năm 2001, miềng vay vốn ngân hàng ưu đãi 20 triệu mua giống và phân bón. Xã cấp cho quả đồi bên Khe Mướp cả 3 cha con cứ thế mà hì hục phát, đốt ngày này qua ngày khác, đến khi ngẩng đầu lên thì hơn 3ha đất cây bụi thấp đã được dọn sạch. Miềng trồng thử nghiệm 1 ha thôi, thấy hiệu quả rõ rệt nên đã phát triển hơn 3 ha. Nếu tiếp tục được vây vốn ưu đãi sắp tới gia đình miềng sẽ trồng thêm vài ha nữa mai này dành cho mấy đứa con trai khi lấy vợ”.

Với thu nhập tiền triệu từ sau đồi, trên rẫy, những nông dân người dân tộc Vân Kiều vừa đủ tiền trả lãi ngân hàng, dư dả trang trải cuộc sống. Màu xanh từ những lô cao su, màu của “vàng trắng” đã xua đi cái u ám, lạc hậu trên nét mặt người dân Linh Thượng. Ngay cạnh đồi Khe Mướp là vườn cao su trên đồi Khe Me của bà Hồ Thị Xăng (thôn Bãi Hà). Đến vườn cao su cũng là lúc bà Xăng đang lúi húi cạo mủ cho vào xô mang ra suối Khe Mướp nhập cho thương lái. Với diện tích 4 ha cao su mỗi ngày bà Xăng bỏ túi được 400- 500 nghìn đồng. Giá cao su bán cho các thương lái được từ 9-10 nghìn đồng/kg.

“Đây chỉ mới là vụ cạo bói đầu tiên, vài năm nữa nếu giá cao su ổn định thì tiền lãi sẽ cao hơn nữa. Nhà miềng có 5 miệng ăn, nhờ vườn cây này mà 3 đứa con của miềng được đi học đầy đủ đấy”- bà Xăng phấn khởi nói. Chuyện người Vân Kiều trồng cao su tiểu điền tưởng chừng như không thể ở miền đất Linh Thượng còn lắm tập tục lạc hậu không ngờ đã thành hiện thực. Người Vân Kiều đã nhìn xã hơn dãy núi.