Làm giàu từ...năm triệu đồng
Ðó là gia đình A Bang, người dân tộc Ja Rai hiện đang sinh sống tại làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy. Từ năm 1997 trở về trước, gia đình A Bang nằm trong danh sách những hộ đói nghèo của xã Ya Ly (nay là xã Ya Tăng). Nhà chỉ có năm khẩu nhưng túng đói quanh năm. Năm 1998, khi làng Trấp ngập chìm trong lòng hồ thủy điện Ya Ly, gia đình A Bang được cấp một ngôi nhà sàn cấp bốn và một ha rẫy trồng sắn. Tại nơi ở mới, ông đã quyết định vay năm triệu đồng từ Chương trình 132 để "xóa đói, giảm nghèo". Với số tiền ấy, A Bang đã đầu tư mua ba con bò sinh sản, với mục đích lấy phân bón ruộng và phát triển đàn bò trong gia đình. Có vốn, có đất ông đã thường xuyên tìm đến những hộ gia đình có kinh nghiệm trong sản xuất để học hỏi cách làm ăn và tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đến cuối năm 1999, gia đình đã có thu nhập gần 30 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của gia đình gồm ba ha sắn đang độ thu hoạch, 3.000 m2 bời lời tươi tốt, chỉ tay vào chiếc máy xát gạo đầu vườn, A Bang cho biết thêm: Nhà ông "giàu" lên cũng nhờ có nó. Chiếc máy xát ấy đã giúp gia đình phát triển chăn nuôi. Từ ba con bò giống của Chương trình 132, đến nay gia đình ông đã có 15 con bò. Ngoài bò ra A Bang còn chăn nuôi được 24 con lợn thịt, đây là nguồn cung cấp phân bón chủ yếu cho sản xuất. A Bang nhẩm tính, trong năm 2006 vừa qua gia đình đã nâng mức thu nhập lên hơn 152 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn "lãi ròng" hơn 100 triệu đồng. Ðến nay, ngoài việc bảo đảm cho cuộc sống hằng ngày, gia đình đã mua sắm đầy đủ các tiện nghi phục vụ cho cuộc sống. Ðặc biệt, năm 2006 A Bang đã xây được ngôi nhà mới trị giá hơn 80 triệu đồng và mua được một chiếc xe máy 15 triệu đồng.
Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng
Ðối với A Hum (dân tộc Rơ Ngao) ở thôn Ðăk Mút, xã Ðăk Mar (Ðăk Hà) thì "cái nghèo" cứ đeo đẳng gia đình do A Hum chỉ làm ăn theo tập tục cũ. Với diện tích hơn 8 ha đất bạc màu của gia đình, quanh năm A Hum chỉ biết "chung thủy" với cây mì (sắn). Làm lụng vất vả, nhưng khi thu hoạch không đủ trả tiền công lao động cho bà con. Năm 2001, được cán bộ khuyến nông và Hội Nông dân huyện Ðăk Hà đến tận nhà động viên chuyển đổi cây trồng và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, A Hum đã mạnh dạn vay vốn và làm theo. Với việc đầu tư trồng hai ha cà-phê, một ha điều ghép, 1,4 ha cây bời lời và lúa nước hai vụ. Ðến nay, gia đình A Hum đã có mức thu nhập hơn 160 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình A Hum còn lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài việc bảo đảm lương thực cho gia đình và nuôi con cái ăn học, A Hum còn mua sắm được đầy đủ các tiện nghi đắt tiền phục vụ gia đình trong cuộc sống. Hiện nay A Hum còn giúp năm gia đình trong thôn vay mỗi hộ năm triệu đồng không tính lãi để họ có điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
"Hồi sinh" từ thỏ
Cho đến hôm nay, khi dẫn chúng tôi đi xem các giống thỏ trong trang trại thỏ của mình, anh Quách Chí Thành ở phường Quang Trung, thị xã Kon Tum (Kon Tum) vẫn không sao quên được những tháng năm gian khó của mình. Theo anh Thành, dường như nó chỉ mới xảy ra cách đây vài hôm trước.
Năm 1987, anh Thành quyết định đầu tư mở trang trại chăn nuôi gà. Vào thời điểm đó, các loại sản phẩm như: gà siêu trứng, gà siêu thịt và các loại giống gà ở Kon Tum đều được đưa về từ các tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi... giá cả đắt đỏ mà chất lượng không cao. Ðể người dân ở thị trường Kon Tum có điều kiện tiêu thụ các sản phẩm từ gà có chất lượng, anh quyết định mở trang trại chăn nuôi gà. Ðể có được chất lượng giống tốt, anh đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) chọn mua con giống và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Quãng thời gian từ năm 1995 đến 2003, mỗi tuần anh xuất hơn 5.000 con gà giống, một ngày bán ra thị trường từ 400 đến 500 kg gà thịt, thu hơn 200 triệu đồng. Các sản phẩm từ gà của anh đã có mặt khắp mọi nơi trong tỉnh, ngoài ra anh còn cung cấp cho khách hàng ở Gia Lai, Quảng Ngãi.
Cuối năm 2003, dịch cúm gia cầm xuất hiện khi gà của anh chỉ còn đúng một tuần nữa là tung ra thị trường. Tuy Kon Tum không nằm trong vùng dịch, nhưng chấp hành chủ trương của tỉnh, anh đã tiêu hủy 5.000 con gà. Năm đó, gia đình mất trắng khoảng 200 triệu đồng. Anh Thành không nản chí. Khi dịch cúm gia cầm được dập tắt, anh lại tiếp tục đầu tư nuôi gà, rủi ro thay, năm 2004 dịch bùng phát sớm hơn, gia đình anh lại phải tiếp tục tiêu hủy 5.000 con gà. Theo giá cả vào thời điểm đó, gia đình anh thất thu cỡ 210 triệu đồng. Năm 2005 anh vẫn liều vay ngân hàng đầu tư nuôi tiếp. Và trở lại theo "kịch bản" cũ. Ðợt dịch cúm gia cầm năm 2005 lại "nẫng tay trên" của gia đình anh khoảng 180 triệu đồng.
Ðầu năm 2006, nhận định dịch cúm gia cầm sẽ không thể dập tắt vĩnh viễn, anh đã bàn bạc gia đình chuyển đổi vật nuôi. Loài vật mà anh nhắm đến là thỏ. Bởi anh nhận thấy trong thời gian này ở Kon Tum chưa có ai nuôi thỏ có quy mô lớn. Theo anh, nếu đầu tư đúng hướng thì thỏ sẽ là cứu cánh của gia đình. Thấy anh chịu khó và quyết tâm sống bằng nghề trang trại, bạn bè gần xa đã giúp vốn cho anh. Có vốn, anh lại tiếp tục khăn gói đến Trung tâm thỏ giống Sơn Tây để mua giống. Với gần 16 triệu đồng anh đã mua 100 thỏ con giống, 40 con thỏ bố mẹ. Về kỹ thuật, anh đã tìm đến Trung tâm khuyến nông tỉnh để sưu tầm tài liệu. Ðược sự giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam tỉnh và Trung tâm khuyến nông tỉnh Kon Tum, kỹ thuật chăn nuôi thỏ của anh đã tích lũy được tương đối chắc chắn. Ðến nay, sau một năm chuyển đổi vật nuôi, anh Thành đã sở hữu 150 thỏ nái đẻ, 70 con cái hậu bị. Bình quân mỗi tháng trang trại của gia đình sinh sản hơn 300 con thỏ con. Tính theo giá cả thị trường như hiện nay (25 nghìn đồng/một con một tháng tuổi), gia đình cũng thu về gần 8 triệu đồng. Năm 2006, anh Thành xuất chuồng hơn 1.800 con thỏ giống, thu về hơn 65 triệu đồng.
Ðó là ba trong số hàng trăm nông dân làm ăn giỏi chúng tôi được gặp và trò chuyện ở Kon Tum. Với họ, làm giàu không chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình, họ còn giúp ích cho xã hội mà trực tiếp là những gia đình nông dân quanh họ.