00:00 Số lượt truy cập: 2692327

Những "nhà khoa học chân đất" ở Chợ Lách 

Được đăng : 03/11/2016
Họ là những nông dân chân lấm tay bùn, bao năm quen với công việc đồng áng. Thế nhưng, những sáng tạo của họ làm giới khoa học bất ngờ, ngạc nhiên. Những sáng tạo đó không chỉ đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà, mà còn khẳng định tài trí của những nông dân vùng đất Chín Rồng- nông dân Việt Nam.




1. Cái tên “nhà khoa học chân đất” Nguyễn Văn Hóa (Chín Hóa) ở thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) giờ đây được nhiều người biết đến. Tên tuổi Chín Hóa lan tỏa khắp các miệt vườn ở ĐBSCL và cả nước cùng với giống sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép, thơm ngon, béo ngậy mang tên anh. Sầu riêng Chín Hóa giờ đã được đăng ký thương hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tới thị trấn Chợ Lách, hỏi thăm nhà Chín Hóa hầu như ai cũng biết. Dừng xe trước cổng, cảm giác đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên. Căn nhà đồ sộ, hai tầng của anh Chín Hóa (mà lẽ ra phải gọi là biệt thự mới đúng tầm) thuộc loại nhà đẹp nhất, nhì ở Chợ Lách. Căn nhà trị giá ngót nghét tỉ bạc.

Chín Hóa dẫn tôi vào phòng khách. Câu chuyện mà anh say sưa nói với tôi vẫn là sầu riêng- loại cây mà anh yêu thích, giúp anh thành danh và làm giàu. Các loại bằng khen, giấy chứng nhận, giải thưởng mà Chín Hóa “ẵm” được từ giống sầu riêng cơm vàng hạt lép tới xấp xỉ gần 30 tấm treo đầy trong phòng khách, khiến nhiều người phải ngạc nhiên, choáng ngợp. Ngạc nhiên, choáng ngợp nhưng tôi lại lại mong sao đất nước mình ngày càng có nhiều nông dân làm cho nhiều người khác ngạc nhiên, choáng ngợp như anh Chín Hóa để nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Anh Chín Hóa kể: Hồi còn trẻ, anh đã say mê nghề làm vườn, mê đến độ bỏ ăn. Lần nọ, trong vườn nhà có cây sầu riêng rất ngon nhưng sắp chết. Thấy tiếc quá, anh liền ra xem và bất ngờ phát hiện dưới gốc sầu riêng có chồi non (tược non). Chín Hóa thử rạch hình chữ U để ghép da. Không ngờ cách thử nghiệm này thành công. Từ đó, vườn anh có giống sầu riêng mới. Năm 1996, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mở hội thi trái ngon. Chín Hóa mang trái sầu riêng mới do anh lai tạo tham gia và đoạt luôn giải A trước con mắt ngỡ ngàng, thán phục của nhiều người. Giống sầu riêng sữa cơm vàng hạt lép của anh được các nhà khoa học đánh giá là ngon không thua các giống sầu riêng của Thái Lan. Tiếng lành đồn xa, sầu riêng Chín Hóa ngày càng nổi tiếng khắp nơi. Trung bình mỗi năm anh sản xuất hơn 30.000 cây giống cung cấp ra thị trường. Chín Hóa còn sáng tạo ra cách đánh gốc, cắt ngọn sầu riêng mang về ghép tại nhà lưới, tỷ lệ thành công đạt hơn 90%. Hiện nay, cơ sở của anh Chín Hóa vừa sản xuất giống vừa chuyên canh vườn sầu riêng, doanh thu mỗi năm đạt hơn 500 triệu đồng...

2. “Nhà khoa học chân đất” thứ hai ở Chợ Lách là ông Lê Văn Hoa (Hai Hoa). Tên ông giờ đây gắn với giống bưởi có tên Bưởi Da xanh Hai Hoa. Cái hay của ông Hai Hoa là có thể cho bưởi da xanh đậu quả theo ý muốn, cho quả quanh năm bằng việc xử lý lá và cành. Hương vị quả bưởi Da xanh Hai Hoa đã chinh phục nhiều khách sành ăn trong nước. Mới đây, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phối hợp với Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thi Cây bưởi giống tốt tại Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu, phân tích cho thấy bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), bưởi Long Cổ Cò (Tiền Giang), bưởi Da xanh của ông Hai Hoa (Bến Tre) là những giống phù hợp để chọn làm cây giống quốc gia. Thời gian tới, 3 giống bưởi có năng suất cao, chất lượng quả ngon này sẽ được chọn chăm sóc, thuần dưỡng, nhân giống phục vụ phát triển vùng chuyên canh bưởi ở ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

3. “Nhà khoa học chân đất” thứ ba, cũng ở huyện Chợ Lách là ông Nguyễn Văn Tặng. Công trình nổi tiếng của ông là chuyển đổi giống cây từ chất lượng thấp lên giống chất lượng cao hơn. Ông Tặng áp dụng phương pháp cắt bỏ cây không đạt tiêu chuẩn và ghép cây mới tốt hơn ngay trên cây cũ. Kết quả, cách làm này của ông rút ngắn được thời gian từ 2 đến 3 năm so với trồng mới, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

4. “Nhà khoa học chân đất” thứ tư, anh Dương Văn Lợi (Sáu Lợi) ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách tìm tòi khắc phục được tình trạng trái sầu riêng bị sượng vào mùa mưa. Anh Lợi cho hay: Cứ tới mùa mưa, tỷ lệ trái sầu riêng bị sượng lại tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn. Sau nhiều năm nghiên cứu, theo dõi, Sáu Lợi đã tìm ra nguyên nhân làm trái sầu riêng bị sượng là do cây bị dư thừa lượng nước. Anh áp dụng thử phương pháp đậy ny lông quanh gốc cây sầu riêng (siết nước) nhằm hạn chế lượng nước cung cấp cho cây. Kết quả, trái sầu riêng không bị sượng. Sang năm thứ hai, Sáu Lợi quyết định áp dụng phương pháp đậy ny lông cho 50% số cây sầu riêng trong vườn. Kết quả thật mỹ mãn, không còn quả sầu riêng nào bị sượng nữa. Sau đó, Sáu Lợi đậy ny lông toàn bộ vườn sầu riêng. Anh Lợi cho biết: Phương pháp này chỉ thực hiện trước khi thu hoạch sầu riêng khoảng 20 ngày. Ngoài ra, trong vòng một tháng trước khi thu hoạch quả, nhà vườn không nên sử dụng phân bón hóa học. Nếu nhà vườn sử dụng phân bón không hợp lý, hoặc đậy ny lông sớm, muộn đều gây ảnh hưởng đến cây và chất lượng quả. Với sáng kiến này, năm 2005, anh Dương Văn Lợi đã được nhận bằng khen của Bộ Khoa học- Công nghệ.

***

Sức sáng tạo của nông dân Việt Nam thật lớn lao. Những năm qua, hàng loạt những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của họ đã góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; giúp ích không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả xã hội. Hàng năm, vào ngày mùng 5-5 âm lịch, huyện Chợ Lách thường tổ chức hội thi trái cây. Đây không chỉ là cơ hội để các nhà vườn giới thiệu những trái cây ngon mà còn là dịp tôn vinh các nhà vườn- những “nhà khoa học chân đất” có nhiều đóng góp, cải tiến, nâng cao chất lượng các loại cây ăn trái. Qua hội thi trái cây, những kiến thức, kinh nghiệm quý được các nhà vườn đem ra trao đổi, phổ biến, học tập lẫn nhau. Đó là một điểm hội tụ, giới thiệu và tôn vinh những tài năng chân đất ở vùng châu thổ Cửu Long.