00:00 Số lượt truy cập: 3233974

Những nông dân thời hội nhập ở Hiệp Hoà 

Được đăng : 03/11/2016
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), phong trào nông dân làm kinh tế phát triển rộng khắp, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu. Bằng sự nhạy bén, năng động, họ đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Đại gia” hươu sao

Lão nông Mẫn Hoài Thanh ở xóm Chi Long, thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng (huyện Hiệp Hoà) là người đi đầu trong chăn nuôi hươu sao lấy nhung. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào 3 sào ruộng khoán của xã. Không chịu khuất phục trước cái nghèo, năm 2006, ông mạnh dạn tham gia dự án nuôi bò sinh sản, lấy thịt của huyện, với 16 con bò lai Sind. Được huyện hỗ trợ 60% giá giống, toàn bộ chi phí thức ăn, thuốc men và kĩ thuật. Ông kể: “Thường thì mỗi con bò lai Sind đực cho phối khoảng 25 lần/tháng, mỗi lần bà con cho bò tới phối giống tôi lấy 60.000 đồng, phù hợp với túi tiền của mọi người”.

Không dừng lại ở việc nuôi bò, 1 lần vào Hà Tĩnh chơi, thấy người dân nơi đây đổi đời từ hươu sao, ông nghĩ bụng họ làm được chẳng lẽ mình không làm được. Nhận thấy đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2007, ông quyết định mua 4 con hươu sao với giá gần 30 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông vẫn nuôi 2 con bò lai Sind cho phối giống lấy tiền, trong khi chờ lấy nhung từ hươu. ông còn lặn lội tới tận huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) để học hỏi kinh nghiệm nuôi con vật hoang dã này. Sau nửa năm, thấy nuôi hươu dễ dàng, ông mua thêm 6 con, nâng tổng đàn lên 10 con. Sau 1 năm chờ đợi, cuối cùng đàn hươu cũng cho ông những bất ngờ, ngay trong vụ thu hoạch nhung đầu tiên, ông đã có trong tay 70 triệu đồng. Đến nay, ông nâng đàn hươu lên hơn 20 con, với 4 con hươu cái.

Hỏi về kinh nghiệm nuôi hươu, ông bảo: “Nuôi hươu chẳng khó mà cũng không dễ, phải hiểu nó như bạn tri kỉ của mình vậy, phải biết nó đang muốn gì, cần gì mà đáp ứng. Thức ăn của hươu sao rất dễ kiếm như lá sung, mít, khoai lang, dây lạc, lá ngô, các loại củ quả. Một điều hết sức chú ý là không được cho hươu ăn lá cây bị ướt vì dễ đau bụng; phải rửa sạch lá cây, củ quả trước khi cho ăn”.

Hiện nay, mô hình của gia đình ông Thanh đang được người dân các xã Hùng Sơn, Thái Sơn, Hoà Sơn, Quang Minh học tập và làm theo.

“Vua cá” Hoàng Lương

Ông "vua cá" kiểm tra bể ấp cá bột.

Đến thôn Đại Thắng (xã Hoàng Lương), hỏi ông Nguyễn Thế Thơm ai cũng biết. ông được người dân nơi đây trìu mến đặt cho cái tên “Thơm cá”, bởi nhà ông nuôi nhiều cá nhất nhì huyện. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nổi tiếng là nghèo, vợ chồng ông chỉ trông vào 2 vụ chiêm, mùa, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu ăn. Ông Thơm tâm sự: “Năm 1993, tôi được Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp để vay vốn ngân hàng và vay thêm anh em, bạn bè được hơn 50 triệu đồng. Tôi mạnh dạn đấu thầu 2ha đầm hoang của thôn, quy hoạch làm nơi nuôi cá giống và cá thương phẩm”.

Thấy nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, ông quyết định chuyển tất cả diện tích trồng lúa thành ao nuôi cá. Hiện trang trại của ông đang nuôi các loại cá như vược, trôi, trắm, mè, chim trắng, rô phi đơn tính... Cùng với đó, ông còn đầu tư nuôi hàng trăm con lợn để tận dụng chất thải làm thức ăn cho cá, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Nhìn trang trại của ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô khang trang, sự bố trí hợp lý, từ chuồng nuôi lợn cho tới ao nuôi cá bố mẹ, nhà ương cá bột được kiên cố hoá 100% . Hiện tổng diện tích trang trại của ông đã lên tới 16.000m2, với 7 bể ấp cá, 10 ao nuôi cá giống, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với thu nhập gần 2 triệu đồng/người/tháng.

Người dân trong xã thấy ông phất lên nhờ cá, họ cũng học cách nuôi cá. Bây giờ đi đến đâu trong xã Hoàng Lương cũng thấy ao cá, nhiều hộ dân giàu lên từ cá. Theo số liệu của UBND xã Hoàng Lương, có tới 70% số hộ trong xã nuôi cá bột và ương cá giống, đặc biệt 3 thôn Thanh Lâm, Đại Thắng, Thanh Lương, 100% hộ dân nuôi cá.

“Hiện tôi đang nuôi 7-8 tấn cá bố mẹ. Tôi chăm cho thật tốt để đến tháng 3 cá đẻ. Khoảng 2-3 ngày sau khi cá đẻ thì bán cá bột rồi lại vỗ cá bố mẹ, cứ thế quay vòng”, ông Thơm cho biết.

Thường thì ông Thơm cung cấp cá giống cho các tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, TP. Hà Nội.

Cần cù, chịu khó, luôn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, họ là điển hình của những nông dân thời hội nhập. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà họ còn là tấm gương mẫu mực, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Ông Thanh, ông Thơm là những người như thế.