00:00 Số lượt truy cập: 2671848

Những tỉ phú từ hàu 

Được đăng : 03/11/2016
Theo đủ nghề, từ đi biển, lập đùng nuôi tôm, làm ruộng muối... cuộc sống dân đảo Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn cứ bấp bênh. Nhưng từ khi theo con hàu, dân xã đảo khá lên trông thấy, sản sinh cho Long Sơn những triệu phú, tỉ phú. Những đại gia Sài Gòn nghe tiếng cũng tìm đến theo nghề…


Từ cây cầu mới bắc ngang sông Rạng nối liền Bà Rịa với Long Sơn buổi sớm, khi thuỷ triều xuống, có thể nhìn thấy những hàng cừ nuôi hàu liên tiếp dọc ven hai bờ. Nghề hàu đang trở thành nghề chính của toàn Long Sơn, người người nuôi hàu, nhà nhà nuôi hàu. Chỉ cần đầu tư số vốn nhỏ làm bè, hoặc đóng cọc treo tôn ximăng cũ, vỏ xe, canh con nước thả xuống, hàu tự động bám vào, tự sinh sống phát triển, người theo nghề hàu chỉ chờ khi hàu lớn là thu hoạch.

Cô Hai (chà lát) ngụ thôn 10 xã Long Sơn cho biết: “Gần như cả xã, ai trước đây theo nghề biển giờ đều chuyển sang nghề nuôi hàu. Người vốn lớn lập bè, vốn nhỏ đóng cừ tràm ngoài mé sông treo tôn, vỏ xe cho hàu bám vào. Hiện thời 1kg hàu được bán tại Long Sơn với giá 12 nghìn, so với nghề đi đáy, đi cào, đánh bắt gần bờ, theo nghề hàu có cuộc sống ổn định và an toàn hơn...”.

Những khúc sông bạc tỉ

Theo con hàu và phát triển nghề hàu sớm thứ nhì Long Sơn (người đầu tiên phát triển nghề này là bác Tám Khẩn), cô Hai nay sở hữu 4 khúc sông nuôi hàu chỗ nhỏ diện tích 5 công, chỗ lớn rộng cả mẫu, mỗi năm thu nhập từ bè hàu trung bình 300 triệu.

Cô Hai nói, cuối những năm 90, nhà tui đi ghe cào theo nghề biển như những người trong xã, đánh bắt gần bờ và trên sông Rạng. Thời đó đánh bắt hên xui, có ngày kiếm được, có ngày chẳng kiếm được cá mú gì đáng giá.

Lượng đánh bắt ngày càng giảm, ghe cào quần nát các khúc sông, tôm cá lớn nhỏ cạn kiệt hết. Gia đình chuyển sang lập đùng (làm đầm) nuôi tôm nhưng cũng không có ăn, xui gặp bịnh là tôm chết hàng loạt, lỗ chổng vó.

Nhìn mấy cọc cừ trong đùng, thấy hàu bám cũng nhiều, con nào cũng mập, ông xã nghĩ chuyện đóng cừ nuôi hàu. Nghĩ vậy rồi ra sông tự chọn lấy khúc sông thích hợp cắm cọc nuôi. Thấy có ăn, dân trong xã cũng theo dần.

Mỗi người nuôi hàu ít nhất một vài bè với 10 – 15 triệu đồng vốn. Còn nhiều hộ đầu tư cho bè hàu lên đến bạc tỉ. Anh Tư – thường gọi Đực Nhỏ - đầu tư cho khúc sông nuôi hàu ở Bến Đá cả hai mé sông thuộc Long Sơn và Hội Bài từ năm 2003 đến nay đã hơn 2 tỉ.

Anh Tư nói chuyện nghề: “Tui nuôi tổng cộng 80 bè, mỗi bè trung bình thu hoạch khoảng 2 tấn, khai thác gối đầu quanh năm. Hiện diện tích đặt bè ở hai khúc sông là 250m, sắp tới đầu tư thêm 50m để nuôi hàu, và mở thêm tận bên đảo Gò Găng”.

Không chỉ riêng dân Long Sơn ồ ạt theo nghề nuôi hàu, những đại gia ở Sài Gòn, và các địa phương khác cũng lần lượt kéo đến đầu tư, lập công ty, hùn vốn lập bè nuôi hàu, thu mua hàu trong vùng để chuyển cho các thị trường tiêu thụ lân cận.

Con sông Rạng từ cửa Ông Bền vào đến Gò Găng dài hơn 15km đều được phủ đầy bè hàu dọc hai bờ. Hiện gần như không còn chỗ để lập bè. Người Long Sơn gọi đây là khúc sông tiền tỉ.

Dễ như... nuôi hàu


Chỉ cần treo dây, thả tôn xi măng, vỏ xe cũ cắt thành từng miếng nhỏ, bỏ vào bè hoặc treo cọc cừ là hàu tự bám vào. Không tốn kém tiền đầu tư con giống, nguồn hàu ở đây có quanh năm. Những tấm tôn xi măng bị lỗi, nứt bể được đưa về tận dụng xẻ treo dây nuôi hàu, các loại vỏ xe đạp, xe máy cũ cũng được thu mua làm điểm tựa để hàu bám. Các loại vỏ xe bỏ đi rất bền, giá mua vào từ 1.000 đến 1.500đ một vỏ xe cũ, nhưng xài đi xài lại hết năm này năm khác mà không sợ hư hại.

Với nghề hàu, vốn đầu tư nhỏ, hiệu quả thu lợi lớn. Các hộ nuôi hàu ở Long Sơn cho biết, hơn 6 năm theo nghề hàu, chưa có khi nào nguồn hàu thu hoạch bị tồn đọng. Thường hàu khai thác đến đâu là thị trường tiêu thụ hết đến đó.

Nghề hàu phát triển mạnh, lại vô tình làm lợi cho nguồn thuỷ sản. Trước, cá tôm trên sông Rạng bị đánh bắt cạn, vì sông rộng, không vật cản nên ghe cào, đáy mành mành, ghe trang bị cào điện đánh bắt sạch.

Giờ, các bè hàu nằm dọc hai bờ, che chắn nên không đánh bắt được. Cá các loại chui vào bè hàu trú ngụ và sinh sản, ăn các loại tảo và vi sinh bám quanh con hàu. Cá chẻm, cá bống mú, cá nâu, cá đối... lềnh khênh dưới bè hàu. Dân đi câu gần đây câu được những con chẻm lớn nặng gần chục ký.

Nghề hàu phát triển giữ cho tài nguyên thuỷ sản không bị cạn kiệt, không tốn mồi cho hàu ăn, chỉ mất công cho người gác, vì nạn trộm cắp cũng diễn ra rải rác, phải mướn người canh giữ bè để chờ ngày thu hoạch. Xem ra theo nghề hàu dễ dàng và có lợi nhiều lần so với lập đùng nuôi tôm, cá.

Nuôi con hàu một năm thu hoạch, đến tháng 3 âm lịch hàu đẻ, canh con nước thả tôn và vỏ xe cho hàu bám vào. Nuôi đúng một năm sau thu hoạch, con nào lớn lấy trước, nhỏ sau, nhờ kiểu nuôi và thu hoạch gối đầu như vậy, nguồn hàu của Long Sơn cung cấp quanh năm cho hai thị trường chính là Sài Gòn và Vũng Tàu. Thường đến tháng 11 âm lịch – vào mùa lạnh – hàu chết hàng loạt, có bè chết đến 80 – 90%, có nhiều nguyên nhân khác nhau, người bảo do nước thải từ các KCN lân cận, người cho rằng do thời tiết thay đổi.

Hàu chết nhiều, nhưng đó không phải là nỗi lo của người theo nghề. Anh Tư cho biết: “Hàu chết mấy vẫn lời, vì kỳ thực vốn đầu tư ban đầu vẫn còn đó, đâu có tốn công nuôi hay chăm sóc gì, chỉ tốn thêm chút thời gian (khoảng 6 tháng) cho hàu con lớn và lượng hàu mới bám vào là lại thu hoạch tiếp”.