00:00 Số lượt truy cập: 3234276

Những trang trại hối hả 

Được đăng : 03/11/2016
Bên cạnh sự phát triển của khu kinh tế - thương mại Lao Bảo (Quảng Trị) diễn ra rầm rộ, hối hả, còn có một “Lao Bảo” khác đang âm thầm chuyển mình sau phố núi.

Vào những năm trước, vùng đất phía tây bắc của thị trấn Lao Bảo vẫn còn là đồi núi hoang vu, nhưng nhờ chính sách khai hoang, ưu đãi không cần đóng thuế nên chẳng mấy chốc, nơi đây đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng phát triển. Hơn 15 trang trại nuôi ba ba, ếch, cá, dê... nằm san sát nhau kéo dài đến hết địa phận của thị trấn. Những hộ dân đến sau thì mua lại đất của đồng bào dân tộc Vân Kiều với giá 1ha khoảng 1 - 1,5 triệu đồng.

Người đi trước làm ăn phát đạt với những mô hình chăn nuôi ba ba, ếch, dê rất thành công, nên càng về sau càng có nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn lên khai hoang và đã gặt hái được những thành quả bước đầu. Hiện nay, vùng này đã tập trung hơn 30 hộ gia đình chia thành nhiều nhóm để hợp tác làm ăn. Các trang trại tiêu biểu trong vùng như của ông: Nguyễn Vinh, Nguyễn Công Bốn, Trần Đình Tế, Trương Văn Đông...,làm ăn rất hiệu quả với doanh thu hàng năm lên đến 100 triệu đồng. Gần đây, nhiều hộ gia đình đã biết mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa phương khác, vào tận thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khoảng 30 phút trên chiếc xe máy, chúng tôi đã tìm đến được các trang trại ẩn mình sau những quả đồi. Nghe tiếng xe máy từ xa, ông Nguyễn Công Bốn cất vội mấy cái ống nước để đón khách. Khẩn khoản mời trà, ông tâm sự về vận may của mình: Lên đây thành lập trang trại đã 5 năm, ông là một trong những người đi tiên phong khai phá vùng đất này. Buổi đầu còn nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển thức ăn, vật dụng vào phục vụ chăn nuôi. Nhưng đổi lại, ở đây có thuận lợi là nguồn nước sạch chảy quanh năm, đồng cỏ phong phú phù hợp với chăn nuôi gia súc lớn. Trước đây, gia đình ông Bốn làm nghề cửu vạn ở bến sông Sêpôn nên đời sống cũng bấp bênh. Nhưng từ khi làm trang trại đến nay ông không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có khả năng làm giàu.

Sau bao năm lao động miệt mài, giờ đây trang trại ông Bốn đã có hơn 50 con bò, hai hồ cá với diện tích mỗi hồ khoảng 200m2 và trồng đủ thứ cây trái trong vườn. Hồ của ông Bốn chủ yếu thả cá trê, rô, cá chim. “Dạo này cá bán được lắm! Cá dưới xuôi đem lên không được tươi ngon như cá ở đây. Tui đem lên chợ thương mại bán mỗi cân cá rô khoảng 25.000 đồng cũng đủ cái ăn!” - ông phấn khởi cho biết. Mỗi năm, từ trang trại, sau khi trừ chi phí tiền giống, vật tư... ông thu được từ 60 - 70 triệu đồng.

Cách đó không xa là trang trại của ông Trần Đình Tế. Chúng tôi đến cũng là lúc ông đang cho ba ba ăn. Ông thổ lộ: “Lúc mới có ý định lên đây làm trang trại, nhiều người còn bảo tôi bị “điên”. Vì trong khi khu kinh tế thương mại Lao Bảo đang phát triển rầm rộ; mọi người đổ xô thuê kios để buôn bán còn tôi thì đem tiền lên rú mà vứt. Song, nói là làm, mà đã làm là phải quyết tâm. Ông mạnh dạn vay ngân hàng và đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng cho hai trang trại nuôi lợn nái, lợn thit và bốn hồ nuôi ba ba, mỗi hồ khoảng 250m2. Giờ đây, tổng đàn lợn trong trang trại của ông Tế đã có gần 350 con, trong đó có 300 trăm lợn thịt, hơn 40 con lợn nái, mỗi con nặng 500 kg. Lợn từ khi sinh cho đến khi xuất chuồng thời gian nuôi khoảng 4 - 5 tháng mỗi con nặng trên 80kg. Trang trại của ông cứ đều đặn mỗi tháng xuất khoảng 8 tấn thịt. Tính bình quân, mỗi năm ông lãi khoảng 100 triệu đồng. Ông Tế đã thuê hẳn một chuyên viên thú y để săn sóc và theo dõi đàn lợn.

Men theo triền đồi, chúng tôi đến trang trại chăn nuôi của anh Trương Văn Đông. Đây là trang trại duy nhất của vùng này chăn nuôi dê. Dê chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng ở Thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh như: Hương Rừng, Nhật Lệ…Tâm sự về cái duyên dẫn đến nghề này, anh cho biết: “Buổi đầu chỉ nuôi thử nghiệm thôi. Vì không biết dê có chịu thích ứng với môi trường nơi đây không nên cũng lo lắm! Nhưng qua nửa năm đầu, kết quả thật đáng mừng, đàn dê sinh trưởng nhanh và cho ra những lứa đầu tiên”.

Sau thời gian thử nghiệm, anh đã nâng tổng đàn dê lên hơn 150 con. Để mở rộng quy mô hơn nữa, anh đã thuê hẳn một chuyên viên thú y và đội ngũ chăn nuôi dê lành nghề. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục bà con ở thị trấn. Với nghề chăn nuôi này, anh không chỉ ổn định được kinh tế gia đình, mà còn có khả năng vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Nhật Anh - cán bộ khuyến nông của UBND thị trấn Lao Bảo góp ý: “Những hộ dân ở đây chăn nuôi đã gặt hái được thành công bước đầu. Song cần chú trọng đến kĩ thuật nuôi, vấn đề môi trường và thị trấn nên tổ chức tập huấn cho bà con nhiều hơn nữa”.

Hơn chục trang trại kéo dài đến hết địa phận của thị trấn Lao Bảo đang tạo cho nơi đây một “Lao Bảo” khác, tách biệt. Một vùng kinh tế đang trở mình./.